Ngày 16/8, Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi đã công bố bãi bỏ 11 chức vụ trong nội các. Đây là bước đi cụ thể đầu tiên trong việc thực hiện chương trình cải cách sâu rộng nhằm chống tham nhũng và hợp lý hóa bộ máy chính phủ mà ông Abadi cam kết cách đây một tuần.
Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi quyết cải cách bộ máy chính quyền nhằm chống tham nhũng. |
Theo Văn phòng Thủ tướng, các chức vụ bãi bỏ gồm 3 Phó Thủ tướng, cùng 3 bộ và một bộ trưởng không bộ, trong khi 4 bộ được sáp nhập vào các bộ khác. Các bộ và chức vụ cấp bộ bị bãi bỏ gồm Bộ Nhân quyền, Quốc vụ khanh về các vấn đề phụ nữ và Quốc vụ khanh về các vấn đề quốc hội và các vấn đề tỉnh.
Kế hoạch trên được Thủ tướng Abadi đưa ra trong nỗ lực nâng cao hiệu quả điều hành của chính phủ cũng như chất lượng dịch vụ công, sau khi làn sóng biểu tình phản đối nạn tham nhũng nổ ra ở khắp thủ đô Baghdad và một số thành phố miền Nam Iraq, trong bối cảnh nước này đang phải đối phó với tổ chức thánh chiến Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng hiện chiếm giữ nhiều khu vực.
Các nghị sĩ Iraq ngày 16/8 cho biết một cuộc điều tra của Quốc hội cho thấy cựu Thủ tướng Nuri al-Maliki, hiện là Phó Thủ tướng, cùng một số quan chức khác phải chịu trách nhiệm về việc các tay súng IS chiếm Mosul, thành phố lớn thứ hai của Iraq hồi tháng 6/2014. Theo một nghị sĩ, trong số các quan chức bị cáo buộc có Bộ trưởng Quốc phòng Saadun al-Dulaimi, Tham mưu trưởng quân đội Babaker Zebari, Phó Tham mưu trưởng Aboud Qanbar, Tư lệnh Bộ binh Ali Ghaidan, Tổng chỉ huy chiến dịch ở tỉnh Nineveh Mahdi Al-Gharawi và Thống đốc tỉnh Nineveh, ông Atheel al-Nujaifi. Báo cáo điều tra trên đã được trình Chủ tịch Quốc hội Salim Al-Juburi ngày 16/8 và ông Juburi sẽ gửi lên Trưởng Công tố để tiến hành truy tố.
Cùng ngày 16/8, Thủ tướng Abadi đã phê chuẩn các quyết định của một hội đồng điều tra về việc đưa hơn 100 tư lệnh quân đội, sĩ quan và binh sĩ ra tòa án binh vì đã rời bỏ vị trí chiến đấu ở thủ phủ Ramadi của tỉnh Anbar, khiến thành phố rơi vào tay IS.