Thủ tướng Israel chịu áp lực ngày càng gia tăng trong cuộc chiến ở Dải Gaza

Theo hãng tin AFP ngày 23/1, Thủ tướng Benjamin Netanyahu đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng ngày càng gia tăng sau ngày Israel chịu tổn thất lớn nhất trong cuộc chiến ở Gaza cũng như các cuộc biểu tình ngày càng lan rộng khi chưa thể giải thoát được toàn bộ con tin bị Hamas giam giữ.

Chú thích ảnh
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu chủ trì cuộc họp nội các tại Tel Aviv, ngày 31/12/2023. Ảnh: AFP/TTXVN

Chiến lược của quân đội Israel ở Dải Gaza đang bị giám sát chặt sau khi 24 binh sĩ Israel thiệt mạng hôm 22/1. Đây là tổn thất lớn nhất trong một ngày của Israel kể từ khi cuộc tấn công trên bộ vào Gaza bắt đầu vào cuối tháng 10 năm ngoái.

Trong số những người thiệt mạng có 21 lính dự bị. Vụ việc diễn ra khi đạn pháo và tên lửa bắn trúng một chiếc xe tăng và hai tòa nhà mà binh sĩ Israel đang tập trung tìm cách phá hủy. Vụ việc được ông Netanyahu mô tả là một thảm họa.

Ông Emmanuel Navon, Giảng viên tại Đại học Tel Aviv, nói với AFP rằng tổn thất về binh sĩ ảnh hưởng đến tất cả mọi người, bởi vì hầu hết mọi người ở Israel đều có người thân và họ hàng đang chiến đấu ở Gaza.

Ông Navon cho rằng người dân Israel giờ đây sẽ ngày càng đặt ra câu hỏi: “Chiến lược của Chính phủ Israel là gì? Chúng ta có thực sự cần tiếp tục cho đến khi tiêu diệt được Hamas không?”.

Đồng thời, sự chia rẽ đã xuất hiện trong nội các chiến tranh của Thủ tướng Netanyahu sau các cuộc biểu tình ở Tel Aviv và bên ngoài ngôi nhà ở Jerusalem của ông. Tại đây, người thân của các con tin đã tổ chức một cuộc biểu tình đầu tuần này nhằm hối thúc việc giải thoát những con tin còn đang bị giam giữ.

Julia Elad-Strenger, Giảng viên tại Đại học Bar-Ilan gần Tel Aviv, nhận xét: “Tâm trạng hiện tại trong nội các chiến tranh rất tồi tệ”.

Các chuyên gia nói với AFP rằng tuyên bố của ông Netanyahu về việc loại bỏ nhóm Hamas để đáp trả vụ tấn công ngày 7/10/2023 ngày càng bị nội các coi là không phù hợp với động thái giải thoát các con tin ở Gaza.

Các chuyên gia cho biết, hai thành viên của nội các chiến tranh là cựu Bộ trưởng Quốc phòng Israel Benny Gantz và cựu Tham mưu trưởng Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) Gadi Eisenkot đã bác bỏ lập trường của Thủ tướng Netanyahu rằng chỉ có gây áp lực quân sự với Hamas mới giúp con tin trở về.

Reuven Hazan, Giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Do Thái ở Jerusalem, cho biết: “Theo Thủ tướng Netanyahu, không thể có chiến thắng nếu Hamas vẫn tồn tại, nhưng theo các ông Gantz và Eisenkot, không thể có chiến thắng nếu con tin bị thiệt mạng”.

Ông Eisenkot, người có con trai thiệt mạng khi chiến đấu ở Gaza, đã trả lời phỏng vấn vào tuần trước, trong đó ông thể hiện lập trước khác Thủ tướng Netanyahu. Ông Eisenkot nói với đài truyền hình Israel Channel 12: “Không thể đưa các con tin còn sống trở về trong tương lai gần nếu không có thỏa thuận với Hamas”.

Theo thống kê của AFP dựa trên dữ liệu của Israel, Hamas đã bắt giữ khoảng 250 con tin và Israel cho biết khoảng 132 con tin vẫn còn bị giam giữ ở Gaza, trong đó có ít nhất 28 con tin đã thiệt mạng.

Tuy nhiên, Thủ tướng Netanyahu đã bác bỏ đề xuất rằng chính phủ của ông nên tổ chức một vòng đàm phán khác với Hamas để đạt được thỏa thuận tương tự như thỏa thuận vào tháng 11/2023 dẫn đến việc thả 80 con tin Israel.

Theo thỏa thuận do Qatar, Mỹ và Ai Cập làm trung gian, các bên đã nhất trí tạm dừng bắn vì lý do nhân đạo trong 7 ngày để cho phép chuyển hàng viện trợ vào Gaza, trong khi hàng trăm tù nhân Palestine được thả để đổi lấy con tin.

Ông Netanyahu cho biết Hamas đã đặt ra các điều kiện để thả thêm con tin, bao gồm chấm dứt chiến tranh, rút ​​lực lượng Israel khỏi Gaza và đảm bảo rằng nhóm này sẽ tiếp tục nắm quyền.

Các chuyên gia nhận định Thủ tướng Israel sẽ tiếp tục cuộc chiến ngay cả khi áp lực thay đổi lập trường ngày càng gia tăng. Mairav ​​Zonszein, nhà phân tích cấp cao của Nhóm Khủng hoảng Quốc tế nhận định: “Tôi nghĩ ông Netanyahu đã quyết định tiếp tục cuộc chiến này không chỉ vì lợi ích chính trị”.

Vũ Thanh/Báo Tin tức
Giới ngoại giao EU khẳng định Israel không có quyền bác bỏ giải pháp hai nhà nước
Giới ngoại giao EU khẳng định Israel không có quyền bác bỏ giải pháp hai nhà nước

Ngày 23/1, Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) về chính sách an ninh và đối ngoại Josep Borrell cho rằng Israel không được phép đơn phương ngăn chặn việc thành lập một nhà nước Palestine sau xung đột tại Gaza.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN