Theo tờ Thời báo Israel (timesofisrael.com), Tổng thống Ukraine Vlodomir Zelensky ngày 12/7 cho biết Thủ tướng Benjamin Netanyahu đã được mời đến thăm Kiev nhưng, không giống như các nhà lãnh đạo thế giới khác, nhà lãnh đạo Israel đã không nhận lời đề nghị.
Phát biểu tại một cuộc họp báo bên lề hội nghị thượng đỉnh NATO ở Vilnius về mối quan hệ của Ukraine với Israel, Tổng thống Zelensky nêu rõ: "Ông Netanyahu đã được mời đến Kiev. Tôi đã mời hai người khác từng là thủ tướng Israel trước ông Netanyahu đến Ukraine (đề cập đến cựu thủ tướng Naftali Bennett và lãnh đạo phe đối lập Yair Lapid hiện tại). Cho đến nay, dù là các thủ tướng khác nhau, nhưng kết quả là như nhau”.
Ông Zelensky cũng nói về việc Ukraine quan tâm đến hệ thống phòng không của Israel, đặc biệt là hệ thống phòng thủ tên lửa Vòm sắt. Ông nói: “Chúng tôi đã đề nghị khi xung đột bắt đầu nổ ra, kết quả cũng giống như với việc mời các thủ tướng của Israel. Thật không may, nhiều tháng đã trôi qua mà không có kết quả”.
Về phần mình, Đại sứ Israel tại Ukraine Michael Brodsky nói rằng sự ủng hộ của Ukraine đối với các nghị quyết chống Israel tại Liên hợp quốc có tác động đến sự hỗ trợ của quốc gia Do Thái này đối với Kiev.
Đại sứ Brodsky lưu ý Ukraine ủng hộ các nghị quyết chống Israel tại Liên hợp quốc “trong 90% các trường hợp”.
Trong một cuộc phỏng vấn, ông Brodsky đã gọi lập trường của Ukraine là “một tình huống bất thường, đặc biệt với thực tế là Ukraine thường quay sang Israel với nhiều yêu cầu khác nhau”.
Bình luận của Đại sứ Brodsky được đưa ra khi sự thất vọng lẫn nhau tăng vọt trong những tuần gần đây.
Tuần trước, Bộ Ngoại giao Israel đã triệu tập Đại sứ Ukraine sau khi ông này đưa ra một tuyên bố gay gắt cáo buộc Israel hợp tác với Nga. Một quan chức Israel cho biết: “Chúng tôi đã nói với Đại sứ Ukraine rằng những bình luận của ông ấy chẳng lợi ích gì. Chúng tôi đang tìm cách ngăn chặn sự xấu đi trong mối quan hệ”.
Israel đã ủng hộ các biện pháp hỗ trợ Kiev tại Liên hợp quốc, bao gồm một nghị quyết không ràng buộc nhân kỷ niệm một năm nổ ra cuộc xung đột Nga – Ukraine kêu gọi Moskva chấm dứt chiến sự ở Ukraine và rút quân.
Tuy nhiên, không giống như các đồng minh phương Tây, nước này đã không cung cấp viện trợ quân sự cho Ukraine bất chấp lời kêu gọi lặp đi lặp lại của Kiev. Trong khi cung cấp hỗ trợ nhân đạo cho Ukraine, Israel đã duy trì một chính sách nghiêm ngặt là không cung cấp viện trợ quân sự, bao gồm các hệ thống phòng không có thể giúp nước này đánh chặn các cuộc tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái của Nga.
Lý do đằng sau quyết định không cung cấp vũ khí được cho là nhu cầu chiến lược của Israel nhằm duy trì quyền tự do hoạt động ở Syria, nơi không phận phần lớn do Nga kiểm soát. Các quan chức Israel cũng bày tỏ lo ngại rằng công nghệ quân sự tiên tiến có thể rơi vào tay đối thủ và viện dẫn những hạn chế về sản xuất và cung ứng.
Cụ thể, ông Netanyahu đã loại trừ việc cung cấp cho Ukraine hệ thống Vòm sắt (Iron Dome) với lý do lo ngại rằng công nghệ nhạy cảm có thể rơi vào tay Iran, quốc gia bị Israel coi là đối thủ hang đầu trong khu vực.