Thủ tướng Italy Mario Monti từ chức


Tối 21/12, Thủ tướng Italy Mario Monti đã đệ đơn từ chức lên Tổng thống nước này Giorgio Napolitano, mở đường để ông Napolitano kêu gọi tổ chức tổng tuyển cử, dự kiến vào ngày 24/2/2013.

Tuyên bố từ Phủ Tổng thống cho biết ông Monti "đã đệ đơn từ chức của chính phủ" trong cuộc gặp với Tổng thống Napolitano, và được đề nghị sẽ vẫn tiếp tục đảm nhiệm vai trò thủ tướng tạm quyền trong khoảng thời gian chuyển tiếp này.

Thủ tướng Monti vừa từ chức. Ảnh: Internet.



Tổng thống Napolitano dự kiến sẽ có cuộc tham khảo ý kiến với lãnh đạo các chính đảng trong quốc hội vào ngày 22/12 trước khi giải tán hai viện quốc hội và kêu gọi tổ chức tổng tuyển cử.

Hành động từ chức của ông Mario Monti diễn ra ngay sau khi Hạ viện Italy thông qua lần cuối kế hoạch ngân sách năm 2013 (hay còn gọi là Luật Bình ổn) với tỷ lệ 309 phiếu thuận, 55 phiếu chống và 5 phiếu trắng.

Theo các nguồn tin của ANSA, ông Mario Monti sẽ có cuộc họp báo cuối cùng vào ngày 23/12 để công bố "Lộ trình" lâu nay của ông đối với Italy, cụ thể là những biện pháp mà chính phủ kỹ trị của ông đã thực hiện trong năm qua cũng như những cải cách cần phải thực hiện trong thời gian tới.

Tuy nhiên, trong cuộc họp báo này, ông Mario Monti dự kiến vẫn chưa tuyên bố ý định liệu có ra tranh cử trong cuộc tổng tuyển cử sắp tới hay không, mà có thể sẽ chờ thêm vài ngày nữa mới đưa ra quyết định chính thức.

Trước đó cùng ngày, trong bài phát biểu cuối cùng của mình trên cương vị thủ tướng, ông Mario Monti nhấn mạnh khoảng thời gian nắm quyền đầy "bão tố" 13 tháng qua của ông là "khó khăn nhưng hấp dẫn", đồng thời bày tỏ hy vọng chương trình nghị sự cải cách của ông sẽ được tiếp tục bởi bất kỳ nhà lãnh đạo mới nào. Theo đánh giá của ông Mario Monti, Italy giờ đây là "đáng tin cậy hơn" trên trường quốc tế.

Từng là một cố vấn của ngân hàng Goldman Sachs Group Inc. và là cựu Uỷ viên Liên minh châu Âu (EU), ông Mario Montiđã áp dụng các biện pháp thắt lưng buộc bụng trị giá 20 tỷ euro (26,5 tỷ USD) trong thời gian còn làm thủ tướng chính phủ kỹ trị. Ông đã cho tăng thuế, cắt giảm chi tiêu, nâng độ tuổi về hưu và cải tổ các nguyên tắc lao động nhằm tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp trong việc sa thải nhân công. Những chính sách này đã giúp Italy đi đúng hướng trong việc cắt giảm thâm hụt ngân sách trong năm nay xuống mức dưới 3% GDP theo quy định của EU.


Trong những ngày gần đây, Thủ tướng Đức Angela Merkel và các nhà lãnh đạo Châu Âu khác như ông Jean - Claude Juncker, người đứng đầu nhóm các bộ trưởng tài chính khu vực đồng euro, đã ca ngợi quá trình nắm quyền của ông Mario Monti.

Tuy nhiên, những chính sách của ông Mario Monti lại giành được ít sự ủng hộ ở trong nước. Nghiệp đòan Giới chủ Công nghiệp Italy (Confindustria) hôm 11/12 dự báo nền kinh tế Italia, hiện đang trong cuộc suy thoái lần thứ tư kể từ năm 2011, sẽ sụt giảm 2,1% trong năm nay và 0,6% trong năm 2013. Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp vẫn đang đứng ở mức cao 11,1%.

Một cuộc thăm dò của công ty Datamonitor công bố hôm 17/12 cho thấy 62,5% số người dân Italy có cách nhìn tiêu cực đối với chính phủ kỹ trị của ông Mônti, 82,4% có ít hoặc thậm chí là không có niềm tin rằng nền kinh tế sẽ được cải thiện, và 81% khẳng định họ đã không có khả năng tiết kiệm tiền trong 3 tháng qua.


TTXVN/Tin tức
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN