Hãng thông tấn Reuters (Anh) cho biết kể từ 17/10, biểu tình diễn ra căng thẳng tại Lebanon và càng thêm phần căng thẳng do khủng hoảng tài chính.
Làn sóng biểu tình leo thang sau các quyết định tăng thuế thuốc lá và viễn thông của chính phủ nước này. Những người biểu tình yêu cầu chính phủ từ chức và tiến hành cải cách tại Lebanon.
Tính đến 29/10, các ngân hàng tại Lebanon đã đóng cửa ngày thứ 10 liên tiếp, các trường học và nhiều doanh nghiệp cũng chịu số phận tương tự.
Theo hiến pháp Lebanon, nội các của ông Hariri vẫn giữ nhiệm vụ cho đến khi chính phủ mới được hình thành.
Cùng ngày 29/10, quân đội Lebanon được điều động tới đường phố Beirut để bảo đảm an ninh trong tình trạng biểu tình tiếp diễn. Người biểu tình đổ ra đường phố phản đối tình trạng kinh tế và giận dữ trước thông tin về tham nhũng.
Kinh tế Lebanon chỉ đạt tăng trưởng 0,3% trong năm 2018. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đánh giá cần có cải tổ tại Lebanon để ngăn chặn thâm hụt ngân sách và dự báo nợ công của Lebanon có khả năng lên tới mức 155% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào cuối năm.
Ông Hariri tuyên bố trên truyền hình quốc gia: “Trong vòng 13 ngày qua, người dân Lebanon đã phải đợi chờ quyết định về một giải pháp chính trị có thể ngăn chặn nền kinh tế đi xuống. Tôi đã cố gắng trong giai đoạn này để tìm được lối thoát, gồm lắng nghe tiếng nói của người dân”. “Đây là thời điểm để chúng ta đối mặt với khủng hoảng. Tôi sẽ đến Baabda (Phủ Tổng thống) để trình đơn từ chức. Gửi tới các chính khách, trách nhiệm của chúng ta hôm nay là bảo vệ Lebanon và hồi sinh nền kinh tế nước nhà”, ông Hariri bổ sung.