Theo phóng viên TTXVN tại Kuala Lumpur, trong cuộc họp báo ngày 17/3, Bộ trưởng Quốc phòng kiêm Quyền Bộ Trưởng Giao thông Malaysia Hishammuddin Hussein cho biết, trong 24 giờ qua, Thủ tướng Malaysia đã điện đàm với Thủ tướng Australia và Thủ tướng Trung Quốc nhằm phối hợp công tác tìm kiếm chiếc máy bay của hãng hàng không Malaysia Airlines mất tích từ ngày 8/3. Malaysia cũng đã gửi công hàm ngoại giao tới những nước có liên quan trong chiến dịch tìm kiếm và cứu hộ. Những nước này gồm hai nhóm: nhóm các nước nằm trong vành đai tìm kiếm và những nước có thể hỗ trợ công tác tìm kiếm và chuyên gia.
Ông Hishammuddin Hussein đưa ra thông tin về chiếc máy bay mất tích tại buổi họp báo ở thủ đô Kuala Lumpur ngày 17/3. THX-TTXVN |
Đối với các nước nằm trong vành đai tìm kiếm, Malaysia đề nghị cung cấp những thông tin về radar và vệ tinh, những phương tiện chuyên dụng phục vụ chiến dịch tìm kiếm và cứu hộ. Malaysia đề nghị các nước này chia sẻ về kế hoạch tìm kiếm và cứu hộ cả trên biển, trên đất liền và trên không với Trung tâm chỉ huy tìm kiếm tại Malaysia để cùng phối hợp các nỗ lực tìm kiếm. Malaysia cũng đề nghị cập nhật thông tin hàng ngày bao gồm cả thông tin về hoạt động tìm kiếm và bất cứ thông tin chi tiết nào phía Malaysia yêu cầu.
Về công tác cứu hộ, ông Hussein cho biết, trong 48 giờ qua, Malaysia đã tiến hành các thủ tục về ngoại giao, kỹ thuật và hậu cần phục vụ chiến dịch tìm kiếm chiếc máy bay mất tích. Hiện nay đã có 26 nước tham gia chiến dịch tìm kiếm này và Malaysia vẫn đang là nước đứng đầu tổ chức phối hợp tìm kiếm, trong khi Australia và Indonesia đã đồng ý chỉ đạo các hoạt động tìm kiếm và cứu hộ trong khu vực của các nước này theo phân định ranh giới của tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO).
Tại buổi họp báo, Bộ trưởng Hussein khẳng định rằng công việc tìm kiếm và cứu hộ đã được bắt đầu ở cả hai hành lang phía Bắc và Nam. Australia và Indonesia cùng với Malaysia, Trung Quốc và Kazakhstan đã bắt đầu tiến hành công tác tìm kiếm. Lực lượng Không quân và Hải quân Hoàng gia Malaysia đã triển khai các trang thiết bị tìm kiếm đến hành lang phía Nam. Tàu tuần tra ngoài khơi KD Kelantan, KD Selangor và một máy may trực thăng Super Lynx của Malaysia cũng đã được triển khai.
Australia đã điều máy bay đến khu vực đảo Cocos và đảo Christmas. Thủ tướng Australia cùng ngày 17/3 cho biết nước này sẽ điều thêm hai máy bay P-3 Orions (máy bay giám sát hàng hải và chống ngầm) và một máy bay không người lái C-130 Hercules (máy bay vận tải quân sự) phục vụ công tác tìm kiếm.
Trong khi đó, một máy bay tuần tra P-8 Poseidon (máy bay tuần tra chống ngầm) của Mỹ cũng sẽ được điều đến Perth, bang Tây Australia để trợ giúp công tác tìm kiếm.
Về sự tham gia của các chuyên gia, Bộ trưởng Hussein cho biết ngay từ ngày đầu tiên tiến hành tìm kiếm chiếc máy bay mất tích, Malaysia đã làm việc với các nhà điều tra quốc tế và các cơ quan hàng không quốc tế. Ngày 16/3, các chuyên gia từ Cục Hàng không Dân dụng Trung Quốc đã tham gia nhóm điều tra. Ngày 17/3, ba quan chức Pháp thuộc Cơ quan Điều tra và Phân tích An toàn Hàng không Dân dụng cũng tham gia nhóm điều tra. Những quan chức này đang làm việc với Malaysia Airlines và Cục Hàng không Dân dụng Malaysia để xác định dữ liệu có thể giúp công tác tìm kiếm.
Về công tác điều tra của cảnh sát, ông Hussein cho biết từ ngày 8/3, Cảnh sát hoàng gia Malaysia đã bắt đầu điều tra toàn bộ phi hành đoàn trên chuyến bay MH370, bao gồm cả cơ trưởng, cơ phó, cũng như các nhân viên mặt đất liên quan đến chuyến bay này. Ngày 15/3, cảnh sát đã khám xét nhà cơ trưởng và cơ phó. Các nhà điều tra đã tìm thấy tại nhà cơ trưởng thiết bị mô phỏng bay của phi công và đã mang tới trụ sở cảnh sát phục vụ điều tra.
Bộ trưởng Hussein cũng cho biết ngay từ ngày đầu tiên, Malaysia đã hợp tác với Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI), Tổ chức Cảnh sát Quốc tế (Interpol) và các cơ quan thực thi luật pháp quốc tế có liên quan nhằm phục vụ chiến dịch tìm kiếm và cứu hộ chiếc máy bay mất tích.
TTXVN/Tin tức