Theo lời mời của Thủ tướng nước chủ nhà Fredrik Reinfeldt, trong hai ngày 9-10/6, Thủ tướng ba nước Đức, Anh và Hà Lan đã tới Thuỵ Điển để thảo luận về tương lai Liên minh châu Âu (EU). Cuộc gặp không chính thức này, diễn ra khá đặc biệt cả về thời điểm và các bên tham gia, được dư luận hết sức chú ý trong bối cảnh các nước châu Âu đang bất đồng về việc chỉ định người đứng đầu Uỷ ban châu Âu (EC).
Thủ tướng Đức liệu có thuyết phục được lãnh đạo Anh, Thụy Điển và Hà Lan ủng hộ ứng cử viên Juncker? Ảnh: AFP |
Nguồn tin từ Chính phủ Đức cho biết mục đích chuyến thăm Thụy Điển của Thủ tướng Đức Angela Merkel là để gặp ba người đồng cấp gồm Thủ tướng Thuỵ Điển Fredrik Reinfeldt, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte và Thủ tướng Anh David Cameron để thảo luận về tương lai EU.
Diễn ra đúng hai tuần sau cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu (EP) và hai tuần trước phiên họp của Hội đồng châu Âu, cuộc gặp này được kỳ vọng sẽ có nhiều vấn đề thảo thuận, đặc biệt về các nhiệm vụ trọng tâm trong tương lai của EU. Truyền thông Đức không nhắc nhiều tới các chủ đề ngoài việc 4 nhà lãnh đạo sẽ thảo luận về người kế nhiệm đương kim Chủ tịch EC José Manuel Barroso. Trong cả 4 nhà lãnh đạo Anh, Đức, Hà Lan và Thụy Điển, chỉ có Thủ tướng Đức Merkel là người ủng hộ ứng cử viên của đảng Nhân dân châu Âu (EPP) Jean-Claude Juncker trở thành tân Chủ tịch EC, trong khi cả 3 nhà lãnh đạo còn lại đều phản đối quyết liệt.
Phát biểu tại trụ sở Chính phủ Thuỵ Điển ở Harpsund, Thủ tướng Anh Cameron tuyên bố các nhà lãnh đạo được bầu một cách dân chủ ở châu Âu sẽ là người quyết định nhân vật lãnh đạo các thể chế EU thay vì phải chấp nhận các quy định mới. Phát biểu này ám chỉ việc các nhà lãnh đạo châu Âu sẽ tự quyết định người lãnh đạo EC thay vì để Nghị viện châu Âu (EP) bỏ phiếu quyết định theo đa số đối với ứng cử viên trên cơ sở kết quả cuộc bầu cử EP vừa qua.
Trước đó, Thủ tướng Merkel nhấn mạnh rằng ông Juncker xứng đáng trở thành người lãnh đạo EC do ông này là đại diện cho đảng giành nhiều ghế nhất tại cuộc bầu cử EP vừa qua. Không chỉ Thủ tướng Cameron - người trước đó thậm chí doạ sẽ rút Anh khỏi EU nếu ông Juncker trở thành Chủ tịch EC, ngay cả Thủ tướng Thuỵ Điển Reinfeldt cũng hoài nghi về tính hợp pháp của ứng cử viên Juncker. Ông cũng ủng hộ việc lựa chọn Chủ tịch EC thông qua các nhà lãnh đạo EU thay vì bỏ phiếu quyết định EP.
Trong khi đó tại Anh, Công đảng đối lập đã tuyên bố phản đối việc bầu ứng cử viên là cựu Thủ tướng Luxembourg tại EP, trong khi Chính phủ bảo thủ Anh trước đó cũng khẳng định chỉ ủng hộ một ứng cử viên có khuynh hướng cải cách, thay vì một người 59 tuổi như ông Juncker. Ngay cả Italy và Hungary cũng hoài nghi về việc bổ nhiệm ông ứng cử viên này.
Theo hiệp ước EU sửa đổi, người trở thành lãnh đạo EC phải giành được sự ủng hộ của cả EP và lãnh đạo EU.
Mạnh Hùng