Trả lời phỏng vấn của phóng viên nhật báo Nam Đức, Thủ tướng Merkel cho rằng mặc dù vẫn còn khác biệt về mặt giá trị chính trị trong nhiều lĩnh vực, song Berlin và Ankara vẫn có những lợi ích chung. Bà Merkel cũng nhấn mạnh vai trò quan trọng của Thổ Nhĩ Kỳ đối với giải pháp chính trị ở Syria và trong cuộc chiến chống khủng bố, cả hai lĩnh vực mà hai bên đều có chung lợi ích.
Cũng trong cuộc trả lời phỏng vấn, mặc dù bày tỏ sự hoài nghi đối với quan điểm gia nhập Liên minh châu Âu (EU) của Thổ Nhĩ Kỳ, song Thủ tướng Đức cho biết bà luôn ủng hộ việc hai bên tiếp tục các cuộc đàm phán gia nhập theo hướng mở vì bà đã từng cam kết với Thổ Nhĩ Kỳ trong năm 2005 trước khi liên đảng bảo thủ Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) của bà lên nắm quyền.
Được biết, tiến trình trở thành thành viên EU của Thổ Nhĩ Kỳ từ lâu đã trở thành vấn đề gây chia rẽ trong chính trường Đức khi đảng Dân chủ Xã hội Đức (SPD) ủng hộ tư cách thành viên đầy đủ, trong khi liên đảng cầm quyền CDU/CSU lại ủng hộ quan hệ đối tác đặc biệt với Thổ Nhĩ Kỳ. Trước các cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu, những người bảo thủ Đức và ứng cử viên hàng đầu của họ tại EP Manfred Weber đã phát động chiến dịch chống lại việc EU kết nạp Thổ Nhĩ Kỳ.
Thổ Nhĩ Kỳ lâu nay tuyên bố việc trở thành thành viên EU là một trong những mục tiêu chiến lược hàng đầu của nước này, mặc dù các cuộc đàm phán gia nhập, được chính thức triển khai vào năm 2004, lâm vào bế tắc từ khi chính quyền Ankara mạnh tay trấn áp các đối tượng tình nghi sau khi đập tan cuộc đảo chính quân sự hồi năm 2016 - một động thái vấp phải sự phản đối từ nhiều tổ chức quốc tế và phương Tây, trong đó có các nước thành viên EU. Hồi tháng 10 năm ngoái, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan tuyên bố ông sẽ cân nhắc việc tiến hành cuộc trưng cầu ý dân về nỗ lực đàm phán gia nhập EU của nước này.