Hãng tin Bloomberg (Mỹ) dẫn lời cựu Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani nhận xét: “Nhật Bản là quốc gia duy nhất thuộc Nhóm Các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) chưa tham gia trừng phạt Trung Quốc”.
Từ 22/3, Liên minh châu Âu (EU), Mỹ, Anh và Canada đã áp đặt lệnh trừng phạt một số thực thể và quan chức Trung Quốc về cáo buộc vi phạm nhân quyển tại Tân Cương. Bắc Kinh nhiều lần lên tiếng bác bỏ cáo cuộc này.
Ngày 27/3, Trung Quốc tuyên bố trả đũa bằng việc áp đặt lệnh trừng phạt lên các cá nhân tại Mỹ và Canada. Trước đó, Bắc Kinh cũng áp đặt lệnh trừng phạt với công dân Anh và EU.
Nhật Bản từ lâu ngần ngại áp đặt lệnh trừng phạt kinh tế lên Trung Quốc-vốn là đối tác thương mại lớn nhất của nước này. Một số thành viên đảng cầm quyền Dân chủ Tự do (LDP) đã đề nghị Thủ tướng Yoshihide Suga giữ lập trường dứt khoát hơn, đặc biệt là tại cuộc họp thượng đỉnh của G7 tổ chức ở Anh vào tháng 6 tới.
Thủ tướng Suga sẽ là nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên đến thăm Tổng thống Mỹ Biden tại Nhà Trắng. Truyền thông đưa tin sự kiện này dự kiến diễn ra ngày 9/4. Các chuyên gia nhận định Trung Quốc sẽ được đề cập trong trao đổi giữa lãnh đạo Mỹ-Nhật Bản.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên trong họp báo ngày 29/3 đã cảnh cáo: “Chúng tôi hy vọng Nhật Bản cẩn trọng về hành động và phát biểu đồng thời không tấn công vô lý vào Trung Quốc chỉ bởi vì Tokyo là đồng minh của Washington. Nhật Bản không được lợi ích gì khi làm việc này”.
Nhật Bản cũng giống như Hàn Quốc, đều là đồng minh của Mỹ nhưng đang ở vị trí khó xử khi có mối quan hệ kinh tế “khá sâu’ với Trung Quốc. Hiện tại nhiều thương hiệu Nhật Bản như Uniqlo và Muji đang đứng trước rủi ro bị tẩy chay tại Trung Quốc như một số nhãn hàng phương Tây là Nike, H&M sau khi cam kết không sử dụng cotton xuất xứ từ Tân Cương.