Theo Bộ Ngoại giao Nhật Bản, trong cuộc gặp với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, hai bên đã nhất trí tăng cường hợp tác song phương trong lĩnh vực an ninh và kinh tế. Hai nhà lãnh đạo khẳng định tiếp tục ủng hộ Ukraine và tăng cường các biện pháp trừng phạt áp đặt với Nga. Ngoài ra, hai nhà lãnh đạo cũng cam kết thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực không gian mạng và vũ trụ, năng lượng hạt nhân dân sự và hỗ trợ khởi nghiệp thông qua sáng kiến gửi 100 doanh nhân Nhật Bản đến Pháp trong 5 năm tới.
Cùng ngày, Thủ tướng Kishida đã gặp người đồng cấp Đức Olaf Scholz. Hai bên nhất trí mở rộng hơn nữa hợp tác trong lĩnh vực an ninh kinh tế và các lĩnh vực khác, dựa trên kết quả cuộc thảo luận liên chính phủ đầu tiên giữa hai nước với sự tham gia của các nhà lãnh đạo và bộ trưởng chủ chốt tại Tokyo vào tháng 3 vừa qua. Thủ tướng Nhật Bản hy vọng có thể hợp tác với phía Đức thúc đẩy các cuộc thảo luận của G7 về duy trì và củng cố trật tự quốc tế dựa trên luật lệ. Đáng chú ý, hai nhà lãnh đạo nhất trí về tầm quan trọng của việc liên kết với các nước mới nổi và đang phát triển ở Nam bán cầu.
Trong cuộc gặp với Thủ tướng Canada Justin Trudeau, hai nhà lãnh đạo hoan nghênh “tiến độ ổn định” trong việc triển khai kế hoạch hành động chung nhằm hiện thực hóa một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở.
Kế hoạch hành động chung được Nhật Bản và Canada công bố vào tháng 10/2022. Kế hoạch bao gồm việc triển khai các cuộc đàm phán để đạt được thỏa thuận song phương về chia sẻ thông tin tình báo “càng sớm càng tốt”.
Ngoài ra, trong ngày 19/5, Thủ tướng Kishida đã có cuộc hội đàm song phương với Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Anh Rishi Sunak và Thủ tướng Italy Giorgia Meloni.
Trong diễn biến liên quan, theo phóng viên TTXVN tại Hàn Quốc, ngày 19/5, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol sẽ khởi hành đến Hiroshima, Nhật Bản để tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 và tiến hành các cuộc gặp bên lề quan trọng.
Phó Cố vấn An ninh Quốc gia Hàn Quốc Kim Tae-hyo cho biết Tổng thống Yoon Suk-yeol sẽ có cuộc gặp song phương với Thủ tướng Kishida và dự cuộc gặp thượng đỉnh ba bên Mỹ - Nhật - Hàn bên lề hội nghị G7. Lãnh đạo Mỹ - Nhật - Hàn dự kiến sẽ thảo luận về các biện pháp hợp tác chiến lược để nâng cấp quan hệ hợp tác ba bên trong bối cảnh nhiều thách thức đang nổi lên. Bên cạnh đó, nhà lãnh đạo Hàn Quốc sẽ tiến hành các cuộc gặp song phương với những đối tác quan trọng như Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính, Thủ tướng Australia Anthony Albanese, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, Tổng thống Indonesia Joko Widodo và Thủ tướng Anh Rishi Sunak.
Đáng chú ý, Tổng thống Yoon Suk-yeol sẽ phát biểu tại một phiên họp mở rộng của Hội nghị thượng đỉnh G7, đề cập tới các vấn đề như an ninh lương thực, sức khỏe, biến đổi khí hậu và năng lượng. Phiên họp trên cũng sẽ bao gồm cuộc thảo luận về các chính sách cho một trật tự quốc tế dựa trên luật lệ và gắn kết với các nước mới nổi.
Hàn Quốc không phải là thành viên của G7 song được mời dự hội nghị với tư cách là một trong tám quốc gia khách mời, cùng với Việt Nam, Australia, Indonesia, Ấn Độ, Brazil, Comoros và Quần đảo Cook.