Vào chiều 11/12, Thủ tướng Fumio Kishida đã chuyển đến ngôi biệt thự hai tầng rộng 5.183 mét vuông, được khánh thành từ năm 1929.
“Đã lâu rồi kể từ lần cuối đến đây, và tôi cảm thấy thật tươi mới”, ông Kishida nói với các phóng viên. Vị Thủ tướng bổ sung thêm rằng chính ông đã đưa ra quyết định tới sống tại dinh thự này để tập trung cho các nhiệm vụ chính thức.
Dinh Thủ tướng Nhật Bản đã trải qua một cuộc cải tạo, hoàn tất vào năm 2005. Khi đó toà nhà được cho là đã được một thầy tu Thần đạo làm lễ trừ tà để xua đuổi những hồn ma mà một số người trong giới chính trị lo ngại đã ám ảnh nơi này trong nhiều thập kỷ.
Nhậm chức khoảng hai tháng trước, ông Kishida đã quyết định chuyển đến dinh thự cổ để gần văn phòng Thủ tướng hơn. Đây là một công trình bằng kính và thép được khai trương vào năm 2002, chỉ cách đó vài mét, cho phép Thủ tướng Kishida có thể nhanh chóng có mặt trong trường hợp khẩn cấp.
Hãng Jiji Press đưa tin, sau khi nhậm chức ông Kishida đã ở tạm tại một toà nhà dành cho các nhà lập pháp và sẽ là thủ tướng đầu tiên tới ở dinh Thủ tướng chính thức kể từ thời ông Yoshihiko Noda vào năm 2012.
Hai vị thủ tướng tiền nhiệm đã lựa chọn tránh xa nơi này. Người tiền nhiệm của ông Kishida là Yoshihide Suga lựa chọn sống trong khu nhà ở cho các thành viên quốc hội. Vị trí có thể đã giúp ông xoay sở với các nhà lập pháp mà không bị giới truyền thông nhòm ngó.
Trong khi đó, Thủ tướng Shinzo Abe sống tại tư gia ở quận Shibuya của Tokyo, cách Văn phòng khoảng 15 phút đi ô tô.
Theo báo chí Nhật, ngay cả khi nơi ở chính thức của Thủ tướng không có người ở, người đóng thuế Nhật Bản vẫn phải trả khoảng 160 triệu yên (1,4 triệu USD) mỗi năm để duy trì ngôi nhà.
Trên thực tế, cựu Thủ tướng Abe đã sống trong dinh Thủ tướng trong khoảng 10 tháng của nhiệm kỳ đầu tiên, vào năm 2006-2007. Sau thời kỳ đó, dinh thự này trở thành nơi ở của sáu thủ tướng có thời gian phục vụ ngắn ngủi, trung bình chỉ hơn một năm và được coi là nơi “không lành” cho một nhà lãnh đạo mới.
Ông Abe đã không quay trở lại dinh thự nói trên khi đảm nhiệm lại ghế Thủ tướng vào năm 2012 và trở thành thủ tướng tại vị lâu nhất của Nhật Bản.
Nơi ở và văn phòng Thủ tướng ban đầu được xây dựng khi Tokyo tái thiết sau trận động đất kinh hoàng năm 1923 và được lấy cảm hứng từ Khách sạn Imperial do kiến trúc sư người Mỹ Frank Lloyd Wright thiết kế. Khách sạn này chính thức khai trương cùng ngày trận động đất tấn công Tokyo và nó vẫn sống sót sau trận đại địa chấn san bằng nhiều khu vực của thủ đô, giết chết hàng chục nghìn người.
Ba năm sau khi dinh Thủ tướng mở cửa, một số sĩ quan hải quân trẻ đã xông vào sát hại Thủ tướng Tsuyoshi Inukai vào năm 1932. Bốn năm sau, toà nhà này lại là nơi diễn ra một cuộc bạo loạn quân sự khác, nhưng khi đó Thủ tướng Keisuke Okada trốn trong tủ quần áo và sống sót. Năm người đã bị bắn chết và sau này một lỗ đạn vẫn được để lại phía trên cửa ra vào như lời nhắc nhở về cuộc nổi loạn xảy ra khi đất nước chìm trong chế độ quân phiệt.
Khi Nhật Bản hồi phục sau Thế chiến thứ hai và trong nhiều thập kỷ sau đó, không có cuộc tu sửa lớn nào tại Dinh Thủ tướng, toà nhà trở nên lỗi thời và bị nhiều nhân viên văn phòng nội các coi là một nơi ảm đạm. Theo tờ Sankei, cựu Thủ tướng Yoshiro Mori từng nói với ông Shinzo Abe rằng ông đã nhìn thấy những hồn ma ở đó.
Các hội trường lớn của toà nhà vẫn được sử dụng để tiếp đón các vị khách nước ngoài, chẳng hạn như Tổng thống George H.W. Bush. Tuy nhiên, ông Bush đã bất ngờ bị ốm và nôn thốc tháo trong bữa tiệc chiêu đãi năm 1992 ở đó.
Chính phủ Nhật Bản đã chi khoảng 8,6 tỷ yên (75,8 triệu USD) để biến dinh Thủ tướng thành một nơi có không gian như ở nhà. Các tác phẩm chạm khắc phức tạp và những căn phòng trang trí công phu của nó được phục hồi cẩn thận. Những đồ trang trí mang phong cách riêng vẫn được bảo tồn, bao gồm cả những bức chạm khắc hình con cú đá đứng canh bên ngoài.
Bây giờ tất cả những gì toà nhà này cần là phục vụ một cư dân mới.