Theo phóng viên TTXVN tại Nam Á ngày 27/2, trong bài phát biểu trước quốc dân diễn ra chiều cùng ngày, Thủ tướng Khan cho biết ông muốn đất nước có niềm tin sau những diễn biến từ sáng 26/2. Ông khẳng định hành động của Pakistan chỉ nhằm mục đích truyền đạt rằng nếu người Ấn Độ có thể đi vào đất nước Pakistan thì người Pakistan cũng có thể làm như vậy. Sau thời điểm này Pakistan phải hành động một cách khôn ngoan và có suy nghĩ.
Theo Thủ tướng Khan, Pakistan đã đề nghị hòa bình với Ấn Độ sau khi vụ tấn công ở Pulwama thuộc khu vực Kashmir xảy ra bởi ông hiểu nỗi đau mà những gia đình nạn nhân phải gánh chịu. Ông cũng đã đến các bệnh viện và chứng kiến nỗi đau của những người phải hứng chịu bạo lực. Ông khẳng định Pakistan mong muốn hòa bình và sẵn sàng hợp tác với Ấn Độ, đồng thời yêu cầu quân đội Pakistan không hành động cho đến khi các thiệt hại được xem xét cẩn thận sau vụ không kích của không quân Ấn Độ. Nhà lãnh đạo Pakistan cũng cảnh báo nếu căng thẳng tiếp tục leo thang, tình hình sẽ vượt qua tầm kiểm soát của cả ông cũng như của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Kết thúc bài phát biểu, Thủ tướng Khan một lần nữa kêu gọi Ấn Độ cùng ngồi vào bàn đàm phán và giải quyết bất đồng thông qua đối thoại.
Căng thẳng giữa Pakistan và Ấn Độ tiếp tục tăng cao sau khi New Delhi ngày 26/2 xác nhận đã tiến hành không kích một trại huấn luyện của nhóm khủng bố Jaish-e-Mohammad (JeM) nằm ở khu vực Kashmir do Pakistan kiểm soát. Ngoại trưởng Ấn Độ Sushma Swaraj nêu rõ quyết định không kích dựa trên việc Pakistan chưa có hành động chống các nhóm khủng bố, cũng như nguồn tin đáng tin cậy rằng JeM đang lên kế hoạch tiến hành các vụ tấn công tại Ấn Độ. Đến ngày 27/2, quân đội Pakistan cũng tuyên bố lực lượng không quân nước này đã bắn rơi 2 máy bay chiến đấu của Ấn Độ và bắt giữ một phi công trong các cuộc không kích từ khu vực Kashmir do Pakistan kiểm soát.
Trước những diễn biến trên, ngày 27/2, Bộ Ngoại giao Nga cho biết nước này đặc biệt quan ngại trước tình hình căng thẳng gia tăng giữa Ấn Độ và Pakistan, đồng thời kêu gọi New Delhi và Islamabad giải quyết mâu thuẫn bằng biện pháp ngoại giao. Trong khi đó, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cho biết Ankara cũng rất quan ngại về căng thẳng Ấn Độ-Pakistan và sẵn sàng hỗ trợ hai bên giải quyết những bất đồng.
Tương tự, từ London, Thủ tướng Anh Theresa May cũng bày tỏ quan ngại sâu sắc trước tình hình căng thẳng gia tăng giữa hai nước láng giềng Nam Á, đồng thời kêu gọi các bên kiềm chế. Bà cho biết nước này vẫn duy trì liên lạc thường xuyên với cả hai nước, đồng thời hối thúc hai bên đối thoại và tìm kiếm các giải pháp ngoại giao nhằm đảm bảo sự ổn định trong khu vực. Nữ Thủ tướng Anh cũng khẳng định nước này đang hợp tác chặt chẽ với các đối tác quốc tế, bao gồm thông qua Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhằm hạ nhiệt căng thẳng.
Trước đó, mối quan hệ giữa Pakistan và Ấn Độ đã xấu đi nhanh chóng sau vụ đánh bom xe ngày 14/2 nhằm vào lực lượng an ninh trên lãnh thổ Ấn Độ mà JeM đã thừa nhận tiến hành. Chính phủ Ấn Độ khẳng định "có bằng chứng không thể chối cãi" về sự dính líu của Pakistan trong vụ việc trên. Tuy nhiên, Pakistan bác bỏ mọi cáo buộc liên quan.
Kashmir là một vùng có đa số người theo đạo Hồi sinh sống trong nhiều thập kỷ thù địch giữa hai nước láng giềng này. Hiện Kashmir đang được chia đôi, trong đó Ấn Độ và Pakistan quản lý mỗi phần. Quan hệ giữa hai nước liên tục căng thẳng do đều tuyên bố chủ quyền đối với toàn bộ khu vực này. Do vậy, kể từ khi giành độc lập khỏi Anh, hai nước đã tiến hành 3 cuộc chiến trong đó có 2 cuộc chiến liên quan đến Kashmir. Bất chấp một thỏa thuận đạt được năm 2003 về tuân thủ lệnh ngừng bắn, giao tranh vẫn xảy ra giữa binh sĩ hai bên tại đường biên giới không chính thức dài 720 km phân chia Kashmir giữa hai nước.