Theo đài truyền hình CNN, con đường thăng tiến của ông Rishi Sunak lên vị trí lãnh đạo hàng đầu trên chính trường Anh được đánh giá là một thành tựu đáng chú ý. Chỉ mới 7 tuần trước, ông bị bà Liz Truss đánh bại hoàn toàn trong cuộc đua trở thành lãnh đạo đảng Bảo thủ. Nhưng hiện giờ, ông sắp tiếp quản chức thủ tướng, với nhiệm vụ hàng đầu là đưa đất nước nhanh chóng thoát khỏi tình cảnh hỗn loạn.
Giới quan sát nhận định Thủ tướng Sunak sẽ nhanh chóng triển khai kế hoạch kinh tế mà ông đã vạch ra trong cuộc vận động đầu năm. Trước khi trở thành thủ tướng, ông Sunak luôn chỉ trích các kế hoạch cắt giảm thuế và hỗ trợ chi tiêu hàng ngày thông qua vay nợ của người tiền nhiệm, cho rằng chính những kế hoạch đó đã gây ra đã tàn phá nền kinh tế nước này.
Ông đã đúng khi chính phủ của cựu Thủ tướng Truss thực hiện các kế hoạch “ngân sách nhỏ”, khiến giá trị đồng bảng Anh giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ và giá trái phiếu sụt giảm, đẩy chi phí đi vay tăng cao và các quỹ hưu trí đến bờ vực vỡ nợ. Đúng như dự đoán của ông Sunak, lãi suất tăng đã đẩy các khoản trả nợ thế chấp lên cao.
Danh tiếng của Anh đối với thế giới gần như đã sụt giảm trước khi bà Truss nhậm chức. Vụ bê bối buộc cựu Thủ tướng Johnson từ chức, cùng với những lời đe dọa sẽ phá vỡ luật pháp quốc tế đối với thỏa thuận Brexit đã không khiến các nhà lãnh đạo thế giới có thiện cảm với Vương quốc Anh.
Điều đó không đồng nghĩa với việc Anh không còn tiếng nói trên đấu trường quốc tế. Sự ủng hộ của Chính phủ Anh đối với Ukraine đã được các nhà lãnh đạo phương Tây khác khen ngợi. Bình luận trên báo Politico, cựu Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton viết rằng Anh là một trong những cường quốc hỗ trợ Ukraine. Dưới sự lãnh đạo của bộ ba Thủ tướng Boris Johnson, Ngoại trưởng Liz Truss và Bộ trưởng Quốc phòng Ben Wallace, London luôn đi đầu trong quyết tâm chính trị và vai trò lãnh đạo”.
Trong một tình cảnh hỗn loạn đối với nền kinh tế, ông Sunak được đánh giá là một lựa chọn an toàn. Tân Thủ tướng Anh đã giành được nhiều lời khen ngợi vì đã giải quyết ổn thỏa nền kinh tế trong đại dịch COVID-19, giúp đỡ các doanh nghiệp và người dân với các chương trình chi tiêu lớn của chính phủ. Nhiệm vụ của ông hiện giờ chỉ có một: Trấn an mọi người và lấy lại lòng tin.
Thật không may cho ông đang kế thừa một đảng chính trị bị chia rẽ. Tân Thủ tướng Sunak có thể sẽ gặp khó khăn nhất khi đối mặt với những người ủng hộ Brexit.
“Thực tế là những phần tử khó khăn nhất trong nhóm người ủng hộ Brexit có lẽ không ủng hộ bất kỳ nhà lãnh đạo nào cả vì họ biết rằng sẽ mâu thuẫn về Brexit. Một trong những ưu tiên hàng đầu của ông Sunak sẽ là đàm phán Nghị định thư Bắc Ireland. Nếu đàm phán không đi theo hướng của họ, họ có thể quay lưng”, bà Salma Shah, một cựu cố vấn của đảng Bảo thủ, nhận định.
Trước mắt, đoàn kết đảng là điều nằm ngoài khả năng của ông Sunak. Tuy nhiên, ông rất giỏi về chính sách kinh tế và giao dịch với các đối tác quốc tế.
“Ông ấy là người có nhiều kinh nghiệm chính trị và kinh tế trên đấu trường quốc tế. Ông là một người giao tiếp lưu loát và biết mình đang nói về điều gì khi nói đến kinh tế. Vì vậy, tôi nghĩ rằng nếu như ổn định được nền kinh tế Vương quốc Anh, ông sẽ được cộng đồng quốc tế chào đón”, nhà phân tích Bale nói.
Về lý thuyết, sẽ còn ít nhất 2 năm nữa mới đến khi cuộc tổng tuyển cử tiếp theo. Giới quan sát cho rằng khoảng thời gian này cũng đủ để tân Thủ tướng Sunak thể hiện năng lực trong việc ổn định đất nước. Nếu không, ông sẽ chỉ trở thành một thủ lĩnh như bao lãnh đạo đảng Bảo thủ trước đó, bận rộn giải quyết những tranh cãi ngay trong chính đảng thay vì xử lý những vấn đề lớn mà quốc gia đang phải đối mặt.