Diễn ra tại Nottingham và được hãng tin BBC phát sóng trực tiếp, cuộc tranh luận kéo dài 75 phút giữa hai nhà lãnh đạo tập trung vào các vấn đề được cử tri quan tâm như thuế, nhập cư, Dịch vụ y tế quốc gia (NHS), chi phí sinh hoạt, Brexit (sự kiện Anh rời khỏi Liên minh châu Âu), vấn đề chuyển giới, cũng như tính liêm chính chính trị trong bối cảnh nhiều chính trị gia Anh vướng vào vụ bê bối cá cược bầu cử đang được cảnh sát điều tra.
Trong cuộc tranh luận, Thủ tướng Sunak bảo vệ chính sách thắt chặt nhập cư của chính phủ, cho rằng Công đảng không có kế hoạch giải quyết tình trạng nhập cư gia tăng. Ông cũng khẳng định cam kết giảm thuế trong khi chỉ trích chính sách tăng thuế đảng đối lập.
Trong khi đó, lãnh đạo Công đảng Keir Starmer cho rằng chính phủ hiện nay đã mất kiểm soát về nhập cư. Ông chỉ trích chính sách giảm thuế dưới thời cựu Thủ tướng Liz Truss gây hậu quả nặng nề cho nền kinh tế. Nhà lãnh đạo đảng đối lập cũng cho rằng Anh sẽ đạt thỏa thuận Brexit tốt hơn thỏa thuận hiện tại nếu đảng của ông giành chiến thắng.
Trong một cuộc thăm dò nhanh của YouGov sau cuộc tranh luận, cả hai nhà lãnh đạo nhận được 47% số người xem ủng hộ, trong khi 6% không đưa ra ý kiến.
Cuộc tranh luận được coi là cơ hội cuối cùng để Thủ tướng Rishi Sunak tạo động lực cho chiến dịch tranh cử đầy khó khăn của đảng Bảo thủ khi các cuộc thăm dò liên tiếp cho thấy có khả năng đảng cầm quyền đối mặt thất bại lịch sử trong cuộc tổng tuyển cử.
Theo kết quả một cuộc thăm dò quy mô lớn vào ngày 26/6, Công đảng có thể giành được 450 ghế tại Hạ viện, trong khi đảng Bảo thủ chỉ giành được 60 ghế, ít hơn đảng Dân chủ Tự do (71 ghế). Nếu kịch bản này xảy ra, đảng Dân chủ Tự do sẽ trở thành đảng đối lập chính thức tại Anh. Cũng theo cuộc thăm dò này, Thủ tướng Sunak và Phó Thủ tướng Oliver Dowden sẽ nằm trong số những người mất ghế.
Trong khi đó, một khảo sát do WeThink thực hiện cho tờ the Economist cho thấy Công đảng sẽ giành được 465 ghế; đảng Bảo thủ 76 ghế; Dân chủ Tự do 52 ghế.
Cuộc tranh luận giữa hai nhà lãnh đạo diễn ra khi các chính trị gia của cả hai đảng đang vướng vào bê bối cá cược bầu cử, trong đó hai ứng cử viên nghị sĩ của đảng Bảo thủ bị cáo buộc cá cược về ngày bầu cử trước khi Thủ tướng Sunak tuyên bố bầu cử. Trong khi đó, một ứng cử viên Công đảng bị cáo buộc cá cược về thất bại của chính ông tại khu vực tranh cử.