Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, ngày 11/1, Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra đã đề nghị quân đội làm trung gian đàm phán giữa chính phủ và những người biểu tình nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay. Bà khẳng định sẽ tiếp tục giữ vị trí Thủ tướng tạm quyền nhằm xúc tiến cuộc tổng tuyển cử vào ngày 2/2 tới và mở đường cho việc cải cách đất nước. Người biểu tình chống chính phủ tại Bangkok ngày 9/1. Ảnh: THX-TTXVN |
Thủ tướng Yingluck nhấn mạnh chính phủ sẵn sàng đối thoại với phong trào biểu tình - những người đang có kế hoạch "chiếm đóng" thủ đô Bangkok vào ngày 13/1 tới bằng việc phong tỏa các tuyến đường quan trọng và một số điểm thu hút đông người.
Theo bà, nhiệm vụ chính của quân đội là bảo vệ đất nước, nhưng trong tình trạng hiện nay, họ vẫn có thể đóng vai trò làm trung gian hòa giải. Chính phủ sẵn sàng ủng hộ bất cứ bên nào có thể góp phần khởi động đàm phán với người biểu tình.Tuy nhiên, bà tái khẳng định rằng việc cải cách phải được thực hiện song song với bầu cử chứ không thể thực hiện trước cuộc bầu cử.
Cùng ngày, Đảng Vì nước Thái đã đề nghị Ủy ban Bầu cử Quốc gia vẫn tổ chức bầu cử ở 28 khu vực mà các ứng cử viên chưa thể đăng ký được vì người biểu tình ngăn cản trong vòng 180 ngày.
Chủ tịch Đảng Vì nước Thái Charupong Ruangsuwan cho biết đảng này đã làm theo các gợi ý của ủy ban bầu cử làm đơn trình báo việc không đăng ký được ứng cử viên lên Tòa án Tối cao. Tuy nhiên, tòa án đã không chấp nhận lá đơn và tuyên bố thẩm quyền chứng thực việc đăng ký ứng cử viên là của ủy ban bầu cử, tòa không có quyền can thiệp.
Theo ông Charupong, dựa trên kết luận của tòa, ủy ban bầu cử cần tổ chức bầu cử tại 28 khu vực nói trên và không có quyền nói không thể tổ chức được bầu cử vì khả năng xảy ra bạo lực. Ông này còn nói rằng ủy ban bầu cử quốc gia không nên lấy kế hoạch phong tỏa thủ đô Bangkok của người biểu tình làm cái cớ để trì hoãn bầu cử.
Trong khi đó, nhà chức trách Thái Lan cho biết sáng 11/1, một số người biểu tình chống chính phủ đã bị thương sau khi các phần tử có vũ trang nổ súng vào một địa điểm biểu tình ở thủ đô Bangkok. Theo Trung tướng Prawut Thavornsiri thuộc Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan, vụ tấn công đầu tiên xảy ra lúc 2 giờ 30 phút (giờ địa phương) khiến 2 người bị thương, trong đó có một nhân viên đảm bảo an ninh. Vụ thứ hai xảy ra vài giờ sau đó làm 5 người bị thương. Trung tâm y tế khẩn cấp Erawan của Bangkok đã xác nhận số người bị thương nói trên, đồng thời cho biết một người vẫn đang trong tình trạng nguy kịch.
Hiện những người biểu tình đang tìm cách ngăn cản việc tiến hành bầu cử sớm và muốn Thủ tướng tạm quyền Yingluck từ chức. Các vụ bạo lực đường phố trong những tuần gần đây đã khiến 8 người, trong đó có một cảnh sát, thiệt mạng và hàng chục người bị thương. Chính phủ Thái Lan bày tỏ quan ngại về khả năng bạo lực đẫm máu tiếp tục gia tăng do người biểu tình không giảm các nỗ lực nhằm lật đổ gia đình Shinawatra.
Trong một diễn biến liên quan, Ủy ban chống tham nhũng quốc gia (NACC) của Thái Lan mới đây đã đưa ra cáo buộc đối với 308 hạ nghị sĩ và thượng nghị sĩ về những hành vi sai phạm liên quan tới việc sửa đổi Hiến pháp. Động thái trên của NACC làm dấy lên quan ngại rằng cuộc bầu cử dự kiến diễn ra vào ngày 2/2 tới sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng do đa số các nghị sĩ bị cáo buộc đều ra tranh cử.
Nếu họ bị kết tội, việc thành lập chính phủ mới sau bầu cử sẽ bị tác động do không có đủ số nghị sĩ cần thiết để triệu tập phiên họp đầu tiên. Theo luật định, Hạ viện mới sẽ phải triệu tập phiên họp đầu tiên gồm 95% trong tổng số 500 nghị sĩ để bầu ra Thủ tướng mới.
Qua điều tra sơ bộ, NACC kết luận 308 nghị sĩ đã vi phạm luật pháp vì tham gia soạn thảo và đề xuất điều khoản sửa đổi Hiến pháp nhằm biến Thượng viện thành cơ quan dân cử. Thủ tướng tạm quyền Yingluck và 72 nghị sĩ khác không bị cáo buộc liên quan tới sửa đổi này. Trước tình trạng trên, Ủy ban bầu cử Thái Lan ngày 10/1 đã hối thúc chính phủ xem xét hủy cuộc bầu cử vào ngày 2/2 tới. Các thành viên Ủy ban bầu cử đã gợi ý cho Thủ tướng Yingluck sử dụng quyền đề nghị Nhà Vua ra sắc lệnh hoãn bầu cử.
TTXVN/Tin tức