Thủ tướng Thái Lan vượt “ải” bất tín nhiệm

Nữ thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra ngày 28/11 đã dễ dàng vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm mà đảng Dân chủ đối lập đưa ra tại quốc hội. Thắng lợi này diễn ra trong khi các cuộc biểu tình chống chính phủ đang rầm rộ tại thủ đô Bangkok và nhiều tỉnh khác.


Tỷ lệ áp đảo


Theo kết quả cuộc bỏ phiếu tại Hạ viện, số nghị sĩ ủng hộ bà Yingluck là 297, áp đảo so với 134 người bỏ phiếu bất tín nhiệm. Kết quả đối với Bộ trưởng Nội vụ Charupong Ruangsuwan cũng gần tương tự với 296 phiếu tín nhiệm.


Người biểu tình tuần hành quanh trụ sở cảnh sát quốc gia ở Bangkok ngày 28/11. Ảnh: AFP/TTXVN

 

Cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm này được thực hiện theo chủ trương của đảng Dân chủ. Đảng này cáo buộc chính phủ cầm quyền dung túng cho tình trạng tham nhũng tràn lan, lãnh đạo đất nước không hiệu quả và cho rằng bà Yingluck là “con rối” của anh trai - cựu Thủ tướng bị lật đổ Thaksin Shinawatra.


Trong hai ngày trước cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm, bà Yingluck đã phải trải qua cuộc chất vấn về các chỉ trích và cáo buộc nói trên. Trong đó, nữ Thủ tướng Yingluck đã dứt khoát bác bỏ mọi cáo buộc mà bà cho là phe đối lập “tưởng tượng” ra. Bà tuyên bố không bao giờ chủ trương bất kỳ một chính sách tham nhũng nào và khẳng định ông Thaksin không có vai trò gì trong chính phủ hiện nay.


Ngay sau cuộc bỏ phiếu, bà Yingluck đã xuất hiện trên truyền hình và phát biểu trước toàn dân, kêu gọi người chống chính phủ chấm dứt biểu tình và ngừng xâm chiếm bất hợp pháp các cơ quan chính phủ. Bà Yingluck thúc giục thủ lĩnh biểu tình là ông Suthep Thaugsuban đàm phán để tránh một cuộc khủng hoảng chính trị quốc gia. Bà tuyên bố: “Chính phủ không muốn đối đầu và sẵn sàng hợp tác với mọi người để tìm một giải pháp”.


Đối mặt thách thức biểu tình


Bất chấp lời kêu gọi của Thủ tướng Yingluck và lệnh bắt giữ vừa được phê chuẩn ít ngày, ông Suthep đã từ chối đề nghị đối thoại với chính phủ. Ông này khăng khăng mục tiêu không chấm dứt biểu tình cho đến khi lật đổ được chính phủ đương nhiệm, thành lập “hội đồng nhân dân” không qua bầu cử - một đòi hỏi mà bà Yingluck coi là không thể theo hiến pháp.


Trong khi đó, người biểu tình ngày 28/11 bắt đầu tuần hành về phía trụ sở Bộ Quốc phòng và Giáo dục. Một đoàn biểu tình khác đã cắt nguồn điện của trụ sở cảnh sát quốc gia khiến cả tòa nhà này phải dùng máy phát điện. Một bộ phận của bệnh viện đa khoa cảnh sát gần đó đã bị ảnh hưởng.


Trước đó, người biểu tình đã xâm nhập tòa nhà phức hợp lớn của chính phủ ở ngoại ô phía bắc Bangkok, buộc nhân viên Cơ quan Điều tra Đặc biệt phải sơ tán. Trụ sở 25 tỉnh ở miền nam Thái Lan cũng bị người biểu tình bao vây.


Cuộc biểu tình chống chính phủ lớn nhất trong ba năm qua là thách thức lớn nhất với chính quyền của Thủ tướng Yingluck hiện nay. Dù vậy, bà Yingluck loại bỏ khả năng dùng vũ lực để chấm dứt biểu tình do không muốn lặp lại cảnh đổ máu năm 2010. Bà Yingluck có một lựa chọn là giải tán Hạ viện và kêu gọi bầu cử dựa trên thực tế là các đảng ủng hộ ông Thaksin chưa bao giờ thất bại trong mọi cuộc bầu cử hơn chục năm qua. Sự can thiệp của quân đội cũng là một khả năng, song đến nay vẫn chưa có dấu hiệu điều này sẽ xảy ra.


Căng thẳng chính trị ở Thái Lan đã khiến dư luận quốc tế lo ngại. Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đã kêu gọi các bên bình tĩnh hết mức, kiềm chế sử dụng bạo lực, tôn trọng nhà nước pháp quyền và nhân quyền.



Thùy Dương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN