Theo báo trên, bất chấp cảnh báo của Mỹ và một số bộ trưởng cấp cao trong chính phủ về nguy cơ đối với an ninh quốc gia, Hội đồng An ninh Quốc gia Anh, đứng đầu là Thủ tướng May, đã nhất trí cho Huawei tiếp cận có giới hạn nhằm hỗ trợ xây dựng một số hạng mục của mạng 5G, như các trạm ăng-ten và cơ sở hạ tầng "không trọng yếu" khác.
Tuy nhiên, quyết định trên gây lo ngại ngay trong các bộ trưởng chủ chốt, như Bộ trưởng Nội vụ Anh Sajid Javid Anh, Ngoại trưởng Jeremy Hunt và Bộ trưởng Quốc phòng Gavin Williamson.
Tuần trước, Huawei thông báo đã ký 40 hợp đồng xây dựng và vận hành cơ sở hạ tầng viễn thông 5G, chuẩn bị triển khai thương mại công nghệ mới này. Trước đó, lãnh đạo Huawei cũng hoan nghênh việc Ủy ban châu Âu (EU) yêu cầu các nước thành viên đánh giá nguy cơ an ninh của mạng 5G, đồng thời khẳng định sẽ nỗ lực hợp tác với các đối tác để đưa mạng 5G vào hoạt động thành công tại châu Âu.
Mục tiêu của EU là sử dụng những công cụ sẵn có theo luật hiện hành, thông qua hợp tác xuyên biên giới để giải quyết các nguy cơ an ninh mạng. Các nước thành viên sẽ tự quyết định xem liệu có cần cấm một công ty cụ thể nào hay không dựa trên cơ sở về nguy cơ an ninh quốc gia.
Huawei, được thành lập vào năm 1987, là tập đoàn tư nhân cung cấp cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, viễn thông và các thiết bị thông minh. Huawei là nhà sản xuất thiết bị hàng đầu cho mạng 5G, nhưng "ông lớn" này đang bị nhiều thị trường phương Tây "quay lưng" trước những lo ngại rằng Bắc Kinh có thể tiếp cận các cơ sở hạ tầng quan trọng của nước mình.
Huawei đang trải qua thời kỳ khó khăn sau vụ nhà chức trách Canada bắt giữ Giám đốc Tài chính Mạnh Vãn Châu với cáo buộc bà và Huawei đã vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran.