Trong thời gian từ ngày 20 -27/4, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo thực hiện chuyến công du bốn nước châu Âu gồm Aixơlen, Thụy Điển, Ba Lan và Đức. Diễn ra trong thời điểm phần lớn các nguồn cung nhiên liệu truyền thống của thế giới đang chìm trong bất ổn, chuyến thăm châu Âu của Thủ tướng Trung Quốc được dự đoán là đặt trọng tâm vào việc tăng cường quan hệ với các quốc gia tiếp giáp Bắc Cực, giúp Bắc Kinh tìm được chỗ đứng ở vùng đất lạnh lẽo nhưng đầy tiềm năng này.
Biến đổi khí hậu làm tăng nhiệt độ Trái Đất, đẩy nhanh nhiệt độ tan băng ở Bắc Cực. Một loạt các núi băng sau nhiều năm án ngữ ở Bắc Cực, khi tan chảy đã biến Bắc Cực trở thành một vùng đất đầy lợi thế về năng lượng và giao thông vận tải. Băng tan, không chỉ làm nước biển dâng cao, mà còn hâm nóng một cuộc chạy đua tranh giành lợi ích trực tiếp giữa các quốc gia có biên giới tiếp giáp với khu vực này, gồm Nga, Mỹ, Canađa, Nauy, Aixơlen, Thụy Điển và Đan Mạch. Trong khi đó, không có thuận lợi về mặt vị trí địa lý, Bắc Kinh đã tìm kiếm con đường gián tiếp thông qua việc tăng cường quan hệ kinh tế và đầu tư với các nước vùng Bắc Băng Dương trong nỗ lực không muốn bị tụt hậu trong cuộc chạy đua này.
Thủ tướng Aixơlen Johanna Sigurdardottir (thứ ba trái, sau) và Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo (thứ hai, trái, sau) chứng kiến lễ ký thỏa thuận quan trọng về khai thác dầu mỏ ở Bắc Cực, tại thủ đô Râykiêvích của Ailen ngày 20/4. Ảnh: THX/ TTXVN |
Trước chuyến thăm châu Âu của ông Ôn Gia Bảo, chính Thứ trưởng Ngoại giao Tống Đào công khai xác nhận, một trong những quan tâm của Trung Quốc trong chuyến đi này là khả năng hợp tác song phương với các quốc gia Bắc Âu về vấn đề Bắc Cực. Chính vì vậy, với những ưu thế gồm nằm trên tuyến đường từ châu Âu đến Bắc Cực và hoạt động khai thác khoáng sản tại phần lãnh thổ Bắc Cực tiếp giáp đang trở nên dễ dàng hơn nhờ hiện tượng băng tan, Aixơlen đã được Bắc Kinh đặt vào tầm ngắm khi quốc gia này được chọn làm điểm dừng chân đầu tiên trong chuyến công du của Thủ tướng Trung Quốc. Các nhà khoa học ước tính việc lập tuyến đường biển mới giữa Trung Quốc với Aixơlen, có thể giúp rút ngắn hành trình hàng nghìn km, tạo thuận lợi lớn cho hoạt động khai thác, vận chuyển năng lượng từ Bắc Băng Dương đến một trong những quốc gia bị xếp vào diện tiêu thụ năng lượng nhiều nhất thế giới hiện nay.
Còn nhớ cách đây khoảng một năm, thế giới đã xôn xao trước thông tin một nhà đầu tư cỡ lớn, vốn là cựu quan chức trong chính phủ Trung Quốc, đã đề nghị mua một vùng đất rộng lớn phía bắc Aixơlen này để phát triển một dự án xây dựng du lịch và bất động sản. Mặc dù dự án này sau đó đã không được chính phủ Aixơlen chấp thuận song giới phân tích nhận định kế hoạch trên là dấu hiệu đầu tiên chứng tỏ Trung Quốc muốn tiến tới Bắc Cực.
Bên cạnh dự định đẩy mạnh hợp tác với Aixơlen, Trung Quốc còn ấp ủ kế hoạch lớn hơn nhằm tiến gần tới việc chính thức hóa sự hiện diện tại Bắc Cực, đó là tìm kiếm khả năng trở thành quan sát viên thường trực của Hội đồng Bắc cực, một diễn đàn hợp tác liên chính phủ gồm 8 nước, trong đó có Aixơlen và Thụy Điển. Chuyến thăm Thụy Điển lần này của Thủ tướng Ôn Gia Bảo cũng không nằm ngoài dự định thắt chặt hợp tác thương mại song phương, qua đó củng cố sự ủng hộ mà Thụy Điển dành cho Trung Quốc trong nỗ lực tiến vào ngôi nhà chung Bắc Cực. Tuy nhiên, ngoài sự ủng hộ của Aixơlen và Thụy Điển, con đường tiến vào Hội đồng Bắc Cực của Trung Quốc khá gian nan do những bất đồng trong quan hệ ngoại giao với một số quốc gia thành viên còn lại, như Nauy. Bên cạnh đó, mặc dù "miếng bánh" Bắc Cực khá lớn, song có thể vẫn có những quốc gia không muốn có thêm một đối tượng nữa được chia phần, vì vậy dường như họ không mặn mà gì với ý tưởng mời Bắc Kinh gia nhập câu lạc bộ này.
Trong hai điểm dừng chân cuối cùng là Ba Lan và Đức, tuyên bố công khai của các quan chức hàng đầu Bắc Kinh khẳng định, Trung Quốc muốn đẩy mạnh hợp tác kinh tế và đầu tư với các quốc gia Trung và Đông Âu, đồng thời tham gia hỗ trợ châu Âu trong nỗ lực ngăn chặn khủng hoảng nợ công. Trong hoàn cảnh khó khăn hiện nay, các nhà hoạch định chính sách châu Âu đang hy vọng với tiềm lực là khoản dự trữ ngoại tệ khổng lồ hơn 3.300 tỷ USD, Trung Quốc sẽ đầu tư vào trái phiếu châu Âu nhằm giúp khu vực này thoát khỏi cơn bão nợ công vẫn đang hoành hành. Tuy nhiên, ngoài những tuyên bố chung chung rằng “Liên minh châu Âu (EU) đối tác thương mại lớn của Trung Quốc” và “kinh tế EU phát triển tốt thì Trung Quốc mới được lợi”, Bắc Kinh vẫn không hề có một cam kết cụ thể nào. Chính vì vậy, giới phân tích vẫn rất hoài nghi về khả năng trong chuyến công du lần này, Thủ tướng Trung Quốc sẵn sàng đồng ý mở hầu bao để cứu châu Âu.
Cho đến thời điểm này, trong khi tỏ ra rất hào hứng với các dự án hợp tác năng lượng và thương mại với các quốc gia Bắc Âu, Trung Quốc vẫn tỏ ra khá dè dặt với cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu.
Có thể nói, vùng đất băng giá ở phía Bắc địa cầu đang tạo ra một lực hút mạnh. Với trữ lượng dầu khí ước tính lên tới 160 tỷ thùng và các tuyến đường biển thuận tiện giữa Thái Bình Dương với Đại Tây Dương đã được hình thành nhờ băng tan, Bắc Băng Dương đã trở thành một điểm đến hấp dẫn hơn bao giờ hết, không chỉ với các quốc gia liền kề, mà còn thu hút cả những đất nước ở xa khu vực này như Trung Quốc.
Cẩm Tuyến