Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, trong một bài viết có tiêu đề “ASEAN trước ngã ba đường: Tái hình dung Cộng đồng ASEAN”, Tổng Thư ký Dato Lim Jock Hoi nhấn mạnh Đông Nam Á đã đạt được những thành tựu vững chắc trong 5 năm qua. Tăng trưởng của ASEAN năm 2022 dự kiến đạt 5,3%, vượt xa mức trung bình toàn cầu là 3,2%. Việc Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) có hiệu lực, cũng như những nỗ lực nhằm kết thúc các cuộc đàm phán nâng cấp Khu vực thương mại tự do ASEAN-Australia-New Zealand (AANZFTA), nâng cấp các Hiệp định thương mại tự do (FTA) hiện có của ASEAN như FTA song phương với Trung Quốc và Ấn Độ, và tiến hành các cuộc đàm phán mới như với Canada là những lời nhắc nhở rõ ràng rằng ASEAN cần tuân thủ hệ thống thương mại đa phương dựa trên luật lệ nếu muốn duy trì sự năng động kinh tế của khu vực.
Các nỗ lực để xây dựng lại tốt hơn và mang lại thành quả hội nhập khu vực cho người dân ASEAN tiếp tục đạt được thành công. Nhiều chương trình và sáng kiến đã và đang được triển khai nhằm trao quyền cho thanh niên, phụ nữ và các nhóm dễ bị tổn thương khác. Các cơ chế hiện cũng đang được triển khai để ứng phó với các cuộc khủng hoảng y tế trong tương lai như Trung tâm ASEAN ứng phó các tình huống y tế khẩn cấp và dịch bệnh mới nổi và Kho dự trữ vật tư y tế khu vực ASEAN.
Về quan hệ đối ngoại, ASEAN đã mở rộng danh sách đối tác với việc bổ sung 1 đối tác đối thoại (Anh), 2 đối tác đối thoại theo lĩnh vực (Brazil và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất-UAE) và 3 đối tác đối thoại phát triển (Chile, Pháp và Italy). Kể từ năm 2018, 15 bên ký kết cấp cao mới - trong đó có Đan Mạch, Hy Lạp, Hà Lan, Oman, Qatar, Ukraine và UAE - đã tham gia Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC).
Tuy nhiên, bất chấp những thành tựu trên, Cộng đồng ASEAN vẫn tiếp tục ở ngã ba đường do những “cơn gió ngược”, như căng thẳng thương mại toàn cầu, biến đổi khí hậu, khoảng cách kỹ thuật số và đại dịch. Các thách thức này đã làm lộ rõ những lỗ hổng hoặc điểm yếu của ASEAN trong việc giải quyết một số mục tiêu như tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, tăng cường điều phối tài chính vĩ mô và thu hẹp khoảng cách phát triển.
Ông Dato Lim Jock Hoi cho rằng, trước vô số những thay đổi tác động đến nền tảng của Cộng đồng ASEAN, chương trình nghị sự ASEAN sau năm 2025 cần áp dụng cách tiếp cận khác đối với hội nhập khu vực theo cách năng động hơn, có khả năng đưa ra các sáng kiến mới và thực hiện các biện pháp để ứng phó với thị trường và các điều kiện kinh tế thay đổi.
Ví dụ, chuyển đổi kỹ thuật số là điều bắt buộc để đảm bảo một tương lai kiên cường. Các nỗ lực hiện tại nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế tri thức và kỹ thuật số trong khu vực là rất quan trọng. Song điều quan trọng hơn là ASEAN cần có tư duy mới để đảm bảo rằng từ chính phủ đến các cá nhân và doanh nghiệp trong khu vực đều chấp nhận chuyển đổi kỹ thuật số một cách toàn diện và sẵn sàng cho kỷ nguyên số.
Tổng Thư ký Dato Lim Jock Hoi cho biết phát triển bền vững là một thách thức lớn khác đối với ASEAN và làm trầm trọng thêm các vấn đề của khu vực, từ biến đổi khí hậu đến mất an ninh lương thực, thiên tai, gián đoạn chuỗi cung ứng và cơ sở hạ tầng quan trọng. Đã đến lúc ASEAN cần xây dựng một khuôn khổ toàn diện cho phát triển bền vững, cách tiếp cận tích hợp và đa ngành nhằm giải quyết các vấn đề bền vững và tuần hoàn trong khu vực, trên tất cả các khía cạnh và các trụ cột cộng đồng.
Để có thể vượt qua các thách thức trên, Tổng Thư ký Dato Lim Jock Hoi nêu rõ ASEAN cần tiếp tục duy trì sự phù hợp, năng động và linh hoạt. Điều này có nghĩa là phải có các thể chế, quy trình và cơ chế mạnh mẽ để duy trì vai trò của ASEAN với tư cách là lực lượng quan trọng trong khu vực.
Bên cạnh đó, Cộng đồng ASEAN cần và phải thực sự hoạt động nếu ASEAN muốn trở thành nền kinh tế lớn thứ năm thế giới vào năm 2030. Việc xây dựng một chương trình nghị sự toàn diện cho Cộng đồng ASEAN sau năm 2025 cũng như các chiến lược phối hợp giữa ba trụ cột của cộng đồng là điều rất quan trọng.
Ngoài ra, ASEAN cần đảm bảo rằng phúc lợi của người dân phải là trung tâm của mọi quyết sách. Việc thu hẹp khoảng cách phát triển không chỉ là một sáng kiến, mà thay vào đó phải là một phần không thể thiếu trong tư duy và chiến lược của ASEAN, được đưa vào hệ thống chính trị, kinh tế và xã hội của từng quốc gia.
Cuối cùng, ông Dato Lim Jock Hoi bày tỏ hy vọng rằng với những gì Cộng đồng ASEAN đã đạt được trong 5 năm qua, những năm tới sẽ xuất hiện một Cộng đồng ASEAN kiên cường hơn, hội nhập hơn và được chuẩn bị tốt hơn để ứng phó với những cú sốc và bất ổn. Để đạt được điều đó, ASEAN cần tiếp tục chuyển đổi và tự hình dung lại chính mình.