Căng thẳng tại Trung Đông:

Thúc đẩy thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và Hezbollah 

Căng thẳng giữa Israel và Phong trào Hezbollah ở Liban tiếp tục gia tăng, khiến cộng đồng quốc tế đứng trước nhiệm vụ cấp bách thúc đẩy một thỏa thuận ngừng bắn để giảm thiểu tổn thất và ngăn chặn nguy cơ chiến tranh lan rộng.

Chú thích ảnh
Khói bốc lên sau cuộc không kích của Israel xuống ngoại ô phía Nam Beirut, Liban ngày 23/11/2024. Ảnh: THX/TTXVN

Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, tình hình trở nên nghiêm trọng hơn khi Israel tăng cường các cuộc không kích vào khu vực ngoại ô phía Nam thủ đô Beirut, khiến nhiều dân thường thiệt mạng. Trong bối cảnh này, Điều phối viên nhân đạo cấp cao của Liên hợp quốc (LHQ) Muhannad Hadi đã kêu gọi các bên tham chiến chấp nhận một thỏa thuận ngừng bắn. Ông Hadi nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực thi đầy đủ Nghị quyết 1701 của Hội đồng Bảo an LHQ. Theo nghị quyết này, chỉ có lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ và quân đội Liban mới được phép hiện diện tại miền Nam Liban. Tuy nhiên, hiện Hezbollah vẫn duy trì sự hiện diện quân sự tại đây và điều này khiến các nỗ lực hòa bình gặp nhiều khó khăn.

Các nước châu Âu và Mỹ cũng bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ đối với một thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và Hezbollah. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã kêu gọi các bên “nắm bắt cơ hội” để đạt được hòa bình, trong khi Ngoại trưởng Italy Antonio Tajani bày tỏ lạc quan về triển vọng thỏa thuận ngừng bắn, dù thừa nhận rằng các cuộc đàm phán đang gặp khó khăn, phức tạp hơn tình hình tại Gaza. Các ngoại trưởng G7 đang nhóm họp tại Italy cũng đã thảo luận về các biện pháp ngoại giao để thúc đẩy hòa bình tại Liban, đồng thời xem xét các phản ứng của cộng đồng quốc tế đối với tình hình chiến sự.

Đại sứ Israel tại LHQ Danny Danon cho biết các cuộc đàm phán ngừng bắn đang "tiến triển", nhưng chưa đạt được kết quả cuối cùng. Israel yêu cầu điều khoản bảo đảm quyền hành động nếu Hezbollah vi phạm thỏa thuận, đồng thời nhấn mạnh rằng nếu quân đội Liban không thể ngăn chặn Hezbollah, Israel sẽ tiếp tục bảo lưu quyền tấn công miền Nam Liban.

Mặc dù có những ý kiến lạc quan về khả năng đạt được thỏa thuận, tình hình thực tế vẫn đầy thách thức. Các cuộc không kích của Israel vào miền Nam Beirut và các vụ tấn công của Hezbollah vẫn tiếp diễn. Chỉ riêng ngày 25/11, ít nhất 31 người đã thiệt mạng, chủ yếu là dân thường tại các khu vực phía Nam Liban. Tình hình vẫn chưa có dấu hiệu lắng dịu, dù các bên tham gia đàm phán đều bày tỏ hy vọng về một thỏa thuận ngừng bắn sớm.

Theo các quan chức Israel, một trong những điều khoản quan trọng của thỏa thuận ngừng bắn là Hezbollah sẽ phải giải giáp và rút khỏi khu vực biên giới với Israel. Ngoại trưởng Israel Gideon Saar nhấn mạnh rằng bài kiểm tra cho bất kỳ thỏa thuận nào sẽ là việc thực thi nghiêm ngặt hai điều kiện: ngừng sự di chuyển của Hezbollah xuống phía Nam sông Litani và ngừng xây dựng lại lực lượng quân sự tại Liban. Israel cũng yêu cầu có cơ chế giám sát để đảm bảo rằng Hezbollah không tái vũ trang và duy trì sự hiện diện quân sự tại miền Nam Liban. Các quan chức Israel lo ngại rằng nếu Hezbollah không bị loại bỏ hoàn toàn, thỏa thuận ngừng bắn có thể chỉ là một biện pháp tạm thời, không giải quyết được căn nguyên của vấn đề.

Kể từ khi chiến sự bùng nổ vào cuối tháng 9 vừa qua, các cuộc không kích của Israel đã làm ít nhất 3.7 người thiệt mạng tại Liban, chủ yếu là dân thường ở các khu vực phía Nam. Israel cũng chịu tổn thất không nhỏ, với ít nhất 82 binh sĩ và 47 dân thường thiệt mạng. Căng thẳng không chỉ dừng lại ở biên giới Liban - Israel mà còn lan rộng sang các khu vực khác trong khu vực, đặc biệt là Syria, với những cuộc tấn công liên tiếp.

Ngoài những diễn biến tại Liban, Mỹ cũng bày tỏ quan ngại về tình trạng bạo lực gia tăng của những người định cư bất hợp pháp Israel ở khu Bờ Tây bị chiếm đóng, đồng thời phản đối đề xuất của Israel về việc sáp nhập Bờ Tây hoặc xây dựng các khu định cư tại Dải Gaza.

Theo phóng viên TTXVN tại Washington, phát biểu tại phiên họp Hội đồng Bảo an LHQ ngày 25/11, Phó đại diện Mỹ tại LHQ Robert Wood nhấn mạnh: "Mỹ vẫn phản đối các đề xuất sáp nhập Bờ Tây hoặc xây dựng các khu định cư của Israel tại Gaza. Nếu được thực hiện, những đề xuất này sẽ không phù hợp với luật pháp quốc tế, gieo mầm cho bất ổn hơn nữa và tạo ra những trở ngại mới cho sự hội nhập toàn diện của Israel vào khu vực".

Ông Robert Wood cũng cho biết Mỹ rất quan ngại về tình trạng bạo lực cực đoan ngày càng gia tăng của những người định cư Do Thái ở Bờ Tây, yêu cầu Chính phủ Israel phải có hành động để ngăn chặn bạo lực và bảo vệ các cộng đồng tại đây.

 Thanh Phương – Nguyễn Trường - Đoàn Hùng (TTXVN)
Máy bay thương mại đối mặt nguy hiểm khi hoạt động trên không phận Trung Đông
Máy bay thương mại đối mặt nguy hiểm khi hoạt động trên không phận Trung Đông

Căng thẳng leo thang khiến bầu trời Trung Đông trở thành vùng nguy hiểm chưa từng có cho hàng không dân dụng. Với số lượng tên lửa phóng tăng đột biến, các chuyến bay không chỉ đối mặt với rủi ro vô tình bị tấn công mà còn phải gánh chịu nỗi lo về an toàn mỗi lần cất cánh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN