Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (Hong Kong, Trung Quốc) ngày 12/8 dẫn nguồn tin từ Tập đoàn in và đúc tiền Trung Quốc cho biết các nhà máy in tiền trên khắp nước này đang hoạt động tối đa công suất để đáp ứng hạn ngạch cao một cách đột xuất của chính phủ. Nguồn tin tiết lộ đồng nhân dân tệ chỉ chiếm một phần trong hạn ngạch này và còn lại là đồng tiền của quốc gia khác.
Dịch vụ thanh toán tiền trực tuyến đã gia tăng mạnh tại Trung Quốc trong thời gian gần đây, do vậy nhu cầu sử dụng tiền mặt giảm dần. Tại Trung Quốc, từ các thành phố lớn cho tới vùng thôn quê, điện thoại thông minh bắt đầu đóng vai trò như ví tiền. Điều này khiến các nhà máy in tiền tại Trung Quốc không còn nhiều việc phải làm.
Chủ tịch Tập đoàn in và đúc tiền Trung Quốc - ông Liu Guisheng - cho biết trước đây quốc gia này không bao giờ in ngoại tệ, song điều này đã thay đổi. Trong năm 2013, Trung Quốc khởi động sáng kiến “Vành đai và Con đường” và 2 năm sau đó bắt đầu in đồng tiền mệnh giá 100 rupee cho Nepal.
Kể từ đó, Tập đoàn in và đúc tiền Trung Quốc bắt đầu nắm bắt cơ hội mà “Vành đai và Con đường” mang đến. Đơn vị này đã thắng thầu các hợp đồng in tiền cho nhiều quốc gia như Thái Lan, Bangladesh, Sri Lanka, Malaysia, Ấn Độ, Brazil và Ba Lan.
Tuy nhiên, ngày 13/8, Chính phủ Ấn Độ đã bác bỏ thông tin mà Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng đưa, khẳng định đồng rupee chỉ được in trên lãnh thổ Ấn Độ.
Trên thực tế, việc in tiền ở quốc gia khác không phải là điều mới lạ, nhưng chỉ phổ biến với các công ty phương Tây. Đơn cử, công ty in tiền De La Rue của Anh có tới 140 khách hàng là các quốc gia trên khắp thế giới. Một đơn vị nổi danh khác là Giesecke & Devrient (Đức) đã in tiền cho 60 quốc gia.
Việc in tiền ở nước ngoài thường có nhiều rủi ro. Trong thời kỳ chính quyền nhà lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi gặp khó khăn năm 2011, Chính phủ Anh đã tịch thu số tiền dinar trị giá 1,5 tỷ USD do De La Rue in. Động thái này gây thiếu hụt nghiêm trọng tiền mặt ở Libya và tạo áp lực lên chính phủ của ông Muammar Gaddafi.
Hiện nay, các nhà máy in tiền tại Trung Quốc vẫn đối mặt với nhiều thách thức cạnh tranh với phương Tây vốn có công nghệ cao. Một trong số đó là nhân lực. Trong khoảng thời gian từ năm 2013-2017, số lao động làm việc trong ngành in tiền tại Trung Quốc đã giảm 2.500 người.
Tập đoàn in và đúc tiền Trung Quốc là một trong những nơi in tiền mặt, đúc tiền xu quy mô lớn nhất trên thế giới. Tập đoàn quốc doanh này có 18.000 nhân lực và 10 nhà máy. Trong khi đó, nếu đem so sánh thì Cơ quan đúc và in tiền Mỹ chỉ có nhân lực khiêm tốn bằng 1/10 so với Trung Quốc và vận hành 2 nhà máy.