Thuốc diệt cỏ từ Đức và nỗi ám ảnh bệnh tật ở Argentina

Thuốc diệt cỏ “có thể gây ung thư” được phun lên những cánh đồng đậu nành mênh mông ở Argentina. Bã đậu nành được dùng cho gia súc ở Đức. Nhưng người dân sống gần các cánh đồng đậu nành đang phải trả giá bằng sức khỏe của họ.

Chú thích ảnh
Cánh đồng đậu nành gần Urdinarrain, Argentina. Vùng trồng đậu nành thường bị phun thuốc glyphosate, loại hóa chất mà WHO xếp loại "có thể gây ung thư". Ảnh: DW

Theo báo Đức Deutsche Welle (DW), nhà hoạt động Norma Herrera từ lâu đã cố gắng vận động loại bỏ glyphosate và các chất diệt cỏ khác ở Argentina. Bà Herrera nói: “Trên khắp thế giới, glyphosate đang bị cấm, nhưng ở đây họ vẫn tiếp tục phun. Nhiều người hàng xóm của tôi đã chết trong những năm gần đây. Nhiều người sẽ chết vì ung thư. Những gì các công ty đậu nành đang làm ở đây không gì khác gì hủy diệt sinh thái”.

Herrera là một thành viên của nhóm “Những bà mẹ của Ituzaingo”, được thành lập cách đây 20 năm, sau khi một lượng lớn các ca mắc bệnh ung thư và dị tật xuất hiện ở quận Ituzaingo của Cordoba, thành phố lớn thứ hai ở Argentina. Con gái bà được chẩn đoán mắc bệnh ung thư máu khi mới 3 tuổi.

Các bà mẹ đổ lỗi cho việc phun thuốc trừ sâu cả ngày lẫn đêm trên những cánh đồng đậu nành có kích thước bằng vài sân bóng đá cách nhà họ không xa.

Herrera nói: “Khi chúng tôi bắt đầu phản đối cách đây 20 năm, họ đã chỉ tên chúng tôi, nói rằng chúng tôi chỉ là một vài bà mẹ điên rồ. Tuy nhiên, khi nước máy ở đây được kiểm tra, chúng tôi biết mình đang bị đầu độc: Họ tìm thấy một loại hỗn hợp có chứa sunfat xấu, kim loại nặng, asen và chì."

Chú thích ảnh
Đậu nành được trồng ở Argentina để cung cấp thức ăn cho gia súc tại Đức. Ảnh: AFP

Trong khu vực, mỗi gia đình đều có một câu chuyện buồn để kể: về bệnh bạch cầu, bệnh tuyến giáp, hen suyễn, suy thận, viêm da thần kinh và những vụ sẩy thai mà họ đổ lỗi cho thứ hỗn hợp độc hại này. Cuối cùng, vụ kiện mà Herrera và những bà mẹ khác tiến hành đã dẫn đến phán quyết của tòa án rằng thuốc diệt cỏ chỉ được phun ở khoảng cách ít nhất 2,5 km tính từ các nhà dân cư.

Nhưng mỗi năm, 200 triệu lít thuốc diệt cỏ và thuốc trừ sâu tiếp tục được phun trên những cánh đồng trồng đậu nành. Argentina có mức sử dụng glyphosate bình quân đầu người cao nhất trên thế giới. Nhưng chính Đức, nước sản xuất thịt lớn nhất ở châu Âu, mới là người hưởng lợi chính. Lợn, gia súc và gà ở nước này ăn bột đậu nành nhập từ Argentina.

“Tôi sẽ nói gì với người Đức?", bà Herrera nói. "Bất kỳ người nông dân nào mua đậu nành từ đây để cho lợn của mình ăn đều gây hại không thể khắc phục được. Họ càng mua nhiều đậu nành ở Đức, thì ở đây càng sản xuất nhiều đậu nành. Nhưng thủ phạm chính là các công ty đa quốc gia thì chỉ quan tâm đến một thứ: lợi nhuận".

Chỉ cần đọc tập Bản đồ Atlas Thuốc trừ sâu năm 2022, một báo cáo dài 50 trang về tác hại của ngành công nghiệp này được xuất bản tại Berlin vào tháng 1 năm nay, là có thể biết được tình hình nghiêm trọng như thế nào. Ngày càng nhiều thuốc trừ sâu được sử dụng hơn bao giờ hết và số lượng công nhân ngành nông nghiệp bị ốm do ngộ độc thuốc trừ sâu hàng năm đã tăng lên ít nhất 5 triệu người trên toàn cầu. Hơn nữa, glyphosate và các sản phẩm khác được coi là một trong những nguyên nhân chính gây ra sự suy giảm đa dạng sinh học.

Chú thích ảnh
Lợn ở Đức được cho ăn cám đậu nành từ Argentina. Ảnh: DPA

Inka Dewitz, Giám đốc chương trình cấp cao về chính sách lương thực quốc tế tại quỹ Heinrich Böll, một đồng tác giả của báo cáo trên, cho biết: “Thuốc trừ sâu độc hại không được phê duyệt hay cấp phép ở EU vẫn có thể được xuất khẩu, đặt ra những tiêu chuẩn kép với các quốc gia ở Nam Bán cầu”.

Những người hưởng lợi chính là các công ty hóa chất khổng lồ của Đức, Bayer và BASF - chiếm lĩnh 70% thị trường thế giới, cùng với tập đoàn hóa chất nông nghiệp Syngenta của Trung Quốc và công ty hóa chất - hạt giống Corteva của Mỹ.

Đó là một ngành kinh doanh béo bở: Vào năm 2020, khoảng một nửa doanh thu hàng năm của các công ty Đức được tạo ra từ việc bán thuốc diệt cỏ. Doanh thu của Bayer lên tới 9,8 tỷ euro, của BASF đạt 5,5 tỷ euro.

"Bayer và BASF tuân thủ luật pháp quốc gia, và vì vậy, về nguyên tắc, họ nghĩ điều đó là ổn", chuyên gia Dewitz nói. "Tuy nhiên, ở nhiều nước, các quy định kém và yếu hơn nhiều so với EU. Và họ xuất khẩu sang những nơi có nhiều khả năng được cấp phép hơn - đặc biệt là các nước ở Mỹ Latinh."

Chú thích ảnh
Tập đoàn hóa chất khổng lồ của Đức, Bayer là một trong những người hưởng lợi chính từ khách hàng Argentina. Ảnh: DPA

Không có thỏa thuận quốc tế nào cấm sử dụng glyphosate, loại hóa chất mà Tổ chức Y tế Thế giới đã phân loại là "có thể gây ung thư", và mặc dù ở Đức đã có đề xuất về cấm xuất khẩu chất diệt cỏ này vào năm 2024, đề xuất này vẫn phải được thúc đẩy bởi Bộ trưởng Nông nghiệp Đức - người Đảng Xanh, Cem Özdemir.

Ông Dewitz cho rằng: “Cần có một chiến lược của EU để cấm các tiêu chuẩn kép và quy định các tiêu chuẩn giới hạn nguy hiểm một cách rõ ràng. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ loại thuốc trừ sâu nào sẽ bị ảnh hưởng. Pháp là quốc gia duy nhất ở châu Âu ban hành luật xuất khẩu [thuốc trừ sâu] và hiện đang có hiệu lực. Chính phủ Đức cũng có nghĩa vụ phải ra luật".

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo DW)
Bia khan hiếm, lợn gà dồn đống: Khủng hoảng phân bón làm đình trệ chuỗi thực phẩm châu Âu
Bia khan hiếm, lợn gà dồn đống: Khủng hoảng phân bón làm đình trệ chuỗi thực phẩm châu Âu

Hóa đơn năng lượng tăng vọt ở châu Âu đang gây ra làn sóng ngừng hoạt động tại các nhà máy phân bón lớn trên khắp châu lục, dẫn đến gián đoạn hoạt động của các nông trại, nhà chế biến thực phẩm, và cả các nhà sản xuất bia.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN