Hội nghị G7 2015 kết thúc tốt đẹp được xem là một thành công của Thủ tướng nước chủ nhà Angela Merkel. Nữ Thủ tướng Đức nhấn mạnh G7 ngày càng chứng minh là một cộng đồng các nước lớn có trách nhiệm, muốn xây dựng một hệ thống kinh tế và giá trị chuẩn mực cũng như hướng lái toàn cầu hóa theo những giá trị này.
Tuy nhiên, dư luận quốc tế cho rằng những gì thể hiện trong tuyên bố chung cho thấy sự thành công của hội nghị chỉ mang tính biểu tượng khi các vấn đề nóng như tình hình Ukraine, cuộc chiến chống khủng bố, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu, vấn đề nợ Hy Lạp chỉ được đề cập một cách chung chung với những lời kêu gọi hình thức hơn là giải pháp cụ thể.
Về vấn đề thương mại, mặc dù khẳng định tình hữu nghị xuyên Đại Tây Dương giữa Mỹ và EU là quan trọng bậc nhất song các bên tại hội nghị G7 đã một lần nữa cho thấy “những khác biệt quan điểm" đáng kể vẫn còn tồn tại giữa Washington, Berlin và Brussel. Thủ tướng Merkel tuyên bố muốn sớm kết thúc đàm phán Hiệp định thương mại tự do EU-Canada (CETA) và thúc đẩy nhanh đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Đại Tây Dương (TTIP) với Mỹ. Theo đó, cả Mỹ và các nước EU trong G7 (Đức, Anh, Pháp, Italy) thống nhất để sớm đạt được những tiến bộ rõ rệt trong nửa cuối năm 2015, nhưng những tiến bộ này là gì thì câu trả lời hoàn toàn còn để mở.
Thủ tướng Merkel trò chuyện cùng Tổng thống Obama bên ngoài khuôn viên tòa lâu đài Elmau. Ảnh: AFP |
Trong khi đó, vụ bê bối nghe lén của Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) nhằm vào nhiều nước châu Âu thông qua Cục Tình báo liên bang Đức (BND) thậm chí hoàn toàn không được đề cập đến một lần nào trong khuôn khổ hội đàm song phương hoặc đa phương tại hội nghị.
Đối với hai vấn đề nóng nhất của EU hiện nay là khủng hoảng nợ của Hy Lạp và khủng hoảng chính trị ở Ukraine, G7 cũng không đạt được tiến bộ đáng kể nào ngoài những tuyên bố kêu gọi ủng hộ giải pháp đàm phán để giữ Hy Lạp không phá sản hay tiếp tục giải pháp ngoại giao trong vấn đề Ukraine và giữ lập trường cứng rắn với Nga.
Hội nghị G7 tái khẳng định việc thực hiện các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga có mối quan hệ trực tiếp với việc Nga thực thi đầy đủ thỏa thuận Minsk cũng như tôn trọng sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine. Theo đó, những trừng phạt này chỉ được dỡ bỏ chừng nào Nga hoàn thành những trách nhiệm của mình và G7 sẵn sàng tăng cường thêm những biện pháp trừng phạt mới nếu những hành động của Nga đi ngược lại thỏa thuận Minsk.
Thành công lớn nhất trong chương trình nghị sự tại Hội nghị năm nay lại ở chủ đề biến đổi khí hậu và ghi dấu ấn rõ nét của bà Merkel. Trên cơ sở đề xuất quyết liệt của Đức, lãnh đạo chính phủ và nguyên thủ các nước G7 đã thông qua mục tiêu “2 độ C" để giảm thiểu sự nóng lên toàn cầu. Các nước Nhật Bản và Canada ban đầu còn bày tỏ hoài nghi về mục tiêu này song sau đó cũng nhất trí ký vào tuyên bố chung. Một điểm nhấn khác là việc G7 đồng thuận trong việc đến năm 2050 sẽ giảm mạnh sự lệ thuộc vào các nguồn nguyên liệu hóa thách như than đá và dầu mỏ. Những kết quả này được xem là tiền đề quan trọng cho một bước đột phá tại Hội nghị khí hậu toàn cầu vào cuối năm nay ở Paris, Pháp.
Nhìn chung, Thủ tướng Merkel và nước Đức đã tổ chức một hội nghị thượng đỉnh G7 thành công về mặt an ninh và các nội dung trong chương trình nghị sự đều tìm được tiếng nói chung. Tuy nhiên, trước hàng loạt vấn đề nóng toàn cầu đang nổi lên đặc biêt về an ninh đối ngoại, G7 dường như còn nhiều lúng túng trong việc đạt được những giải pháp mang tính đột phá.