Thượng đỉnh liên Triều - 'Hình mẫu' cho Trung Đông?

Tuần báo Al-Ahram ngày 3/5 đăng bài bình luận về Hội nghị Thượng đỉnh liên Triều diễn ra vào cuối tháng 4 vừa qua, cho rằng đây là một "hình mẫu" đối với phần còn lại của thế giới, trong đó có khu vực Trung Đông.

Ảnh minh họa. Nguồn: International Network

Cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử giữa nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in diễn ra ngày 27/4 đã thắp lên hy vọng lớn và tạo ra một "hình mẫu" để cả thế giới noi theo. Trong những năm gần đây, Triều Tiên nhiều lần tiến hành thử hạt nhân và phát triển các loại tên lửa đạn đạo vốn được cho là có thể vươn tới các vùng lãnh thổ Mỹ.

Những động thái của Bình Nhưỡng đã làm leo thang căng thẳng cũng như tạo ra nguy cơ về đối đầu quân sự giữa Triều Tiên và Hàn Quốc. Hiện Mỹ có khoảng 28.500 binh sĩ đồn trú tại Hàn Quốc. Trong khi đó, Nhật Bản cũng xem những hoạt động hạt nhân của Bình Nhưỡng như một mối đe dọa lớn đối với an ninh của Tokyo.

Mỹ quả thực đã hỗ trợ rất nhiều cho Hàn Quốc kể từ khi nước này trở thành một quốc gia độc lập và các lực lượng Mỹ đồn trú ở nước này đóng vai trò quan trọng trong việc "ngăn chặn" Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, Seoul và Tokyo, cùng là đồng minh của Washington ở khu vực Đông Bắc Á, sẽ vẫn phải trả giá đắt nhất trong trường hợp xung đột leo thang.

Còn Trung Quốc, đồng minh chủ chốt của Bình Nhưỡng, cũng cần thể hiện trách nhiệm để cùng cộng đồng quốc tế chuyển thông điệp rõ ràng tới Triều Tiên rằng nước này cần phải chấm dứt các vụ thử hạt nhân và tuân thủ các quy định của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA).

Trong khi đó, nhiều nhà quan sát tự hỏi làm sao có thể đạt được tiến triển đáng kể đến như vậy trong việc giải quyết những căng thẳng giữa hai miền Triều Tiên, trong bối cảnh nhiều nước vẫn duy trì sự can dự mạnh mẽ, theo kiểu "đổ thêm dầu vào lửa" trong các cuộc đối đầu ở những nơi khác, đặc biệt là ở khu vực Trung Đông.

Thực tế, việc chấm dứt hành động chiếm đóng (của Israel) đối với các vùng đất cũng như phân biệt đối xử với người Palestine, hay kết thúc các cuộc chiến ở Syria và Yemen, không thể khó khăn hơn hay phức tạp hơn những căng thẳng, đối đầu kéo dài nhiều năm qua ở Bán đảo Triều Tiên.

Theo các chuyên gia quân sự, việc Israel được cho là sở hữu vũ khí hạt nhân là một "bí mật" được nhiều người biết đến nhất trên thế giới. Washington gần như không gây chút áp lực nào buộc Israel phải gia nhập Hiệp ước Cấm phổ biến Vũ khí Hạt nhân (NNPT). Israel tuyên bố nước này cần vũ khí hạt nhân để răn đe "các đối thủ" Arập trong khu vực chưa bao giờ được xem là đúng đắn, xét về mặt địa lý của khu vực này.

Vũ khí hạt nhân sẽ không bảo vệ được Israel hay cải thiện vị thế của nước này trong khu vực hay trên trường quốc tế. Chỉ bằng cách chấm dứt chiếm đóng các vùng lãnh thổ của người Palestine và cho phép thành lập một Nhà nước Palestine độc lập mới có thể đảm bảo an ninh lâu dài cho Israel.

Tuy nhiên, như trong trường hợp Bán đảo Triều Tiên, các nước khu vực Trung Đông nên là những bên chủ chốt, chịu trách nhiệm giải quyết các cuộc xung đột của chính họ mà không cần phải đợi Mỹ hay Nga can thiệp. Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, Saudi Arabia và Ai Cập - những nước chịu ảnh hưởng lớn nhất của các cuộc xung đột diễn ra ở Trung Đông - đều đang đóng vai trò quan trọng để giải quyết các cuộc xung đột ở Palestine, Syria và Yemen. Nếu những nỗ lực như vậy thành công, Mỹ nên tham gia tiến trình này và chấp nhận những thỏa hiệp mà các nước liên quan trực tiếp đạt được bởi vì chính họ mới là những nước bị tổn thương nhiều nhất bởi xung đột.

Báo Tin tức
Nga trình làng 'tên lửa vô đối' Kinzhal trong Lễ duyệt binh Ngày Chiến thắng
Nga trình làng 'tên lửa vô đối' Kinzhal trong Lễ duyệt binh Ngày Chiến thắng

Tên lửa tối tân Kinzhal sẽ được quân đội Nga trình làng trong lễ diễu binh kỷ niệm Ngày Chiến thắng tổ chức vào 9/5 tới tại Moskva.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN