Hãng tin Reuters dẫn đánh giá của Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu (EBRD) mới đây cho biết, các nền kinh tế Trung Á từ Mông Cổ đến Kazakhstan và Uzbekistan sẽ chứng kiến tăng trưởng mạnh mẽ trong năm nay và năm tới nhờ dòng thương mại và chuyển tiền từ Nga tăng lên.
Cụ thể, Trung Á chứng kiến tăng trưởng lớn nhất so với tất cả các khu vực mà EBRD dự báo tăng trưởng hai năm mới nhất: Hiện dự kiến khu vực này sẽ tăng trưởng 5,7% vào năm 2023 và 5,9% năm 2024.
Nhà kinh tế trưởng Beata Javorcik của EBRD nói với Reuters: “Trung Á đang đóng vai trò trung gian trong thương mại giữa Tây Âu và Nga”. Điều này là do các lệnh trừng phạt của phương Tây đã hạn chế thương mại của châu Âu với Nga sau cuộc xung đột ở Ukraine.
“Nga đã đăng ký 3,5 triệu lao động nhập cư mới vào năm 2022 và 90% trong số này đến từ Trung Á. Do đồng rúp của Nga mạnh trong nửa đầu năm, điều đó đã thúc đẩy lượng kiều hối đổ về các quốc gia ở Trung Á”, chuyên gia kinh tế trên lưu ý.
Bên cạnh đó, các công ty Nga chuyển địa điểm sang các nước Trung Á và nhu cầu hàng hóa của Trung Quốc càng làm tăng thêm động lực. Kazakhstan cho biết họ mở cửa cho hoạt động kinh doanh và nhiều doanh nghiệp Nga đã chuyển công ty sang quốc gia Trung Á này.
EBRD cũng nâng cao triển vọng tăng trưởng ở Thổ Nhĩ Kỳ do chính phủ nước này tăng cường kích thích tài chính trước cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 5 vừa qua. Theo báo cáo mới nhất của EBRD về triển vọng kinh tế, điều này sẽ giúp bù đắp một phần triển vọng tăng trưởng yếu hơn ở châu Âu mới nổi và khu vực Địa Trung Hải.
Tăng trưởng của Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia nhận quỹ EBRD lớn nhất, đã được điều chỉnh lên 3,5% so với 2,5%, vào năm 2023, trong khi các nền kinh tế ở Trung Âu và các nước vùng Baltic dự kiến sẽ tăng 0,5% vào năm 2023 và 2,5% vào năm 2024.
Nhìn chung, khu vực EBRD bao gồm khoảng 40 nền kinh tế dự kiến tăng trưởng 2,4% vào năm 2023 và 3,2% vào năm 2024. Tuy nhiên, chi phí năng lượng tiếp tục là một điểm khó khăn.
Tiêu thụ khí đốt ở châu Âu mới nổi giảm hơn 20% trong mùa Đông 2022-2023 so với cùng kỳ năm ngoái do nguồn cung từ Nga ít hơn đã thúc đẩy giá năng lượng tăng. Nhưng ngay cả khi giá xăng dầu ở châu Âu giảm xuống mức đầu năm 2021, giá vẫn cao hơn gần 4 lần so với giá xăng dầu ở Mỹ.
Chuyên gia Javorcik nói: “Các quốc gia đang trên con đường giảm phát, sẽ mất một thời gian để quay trở lại mục tiêu”.
Theo báo cáo, ngành công nghiệp châu Âu đã chuyển hướng khỏi các lĩnh vực sử dụng nhiều khí đốt như vật liệu xây dựng, hóa chất, kim loại cơ bản và giấy, đồng thời tăng cường sản xuất trong các lĩnh vực ít carbon hơn như thiết bị điện, sản xuất ô tô và dược phẩm.