Thượng nghị sĩ Marsha Blackburn từ bang Tennessee vừa thông báo sẽ trình dự luật mang tên “Đạo luật DOGE” nhằm hiện thực hóa cam kết này. DOGE - Bộ Hiệu quả Chính phủ, là một sáng kiến do Elon Musk và doanh nhân Vivek Ramaswamy đứng đầu, tập trung vào cải cách hoạt động chính quyền liên bang.
Dự luật của bà Blackburn đề xuất ba biện pháp chính: Đóng băng việc tuyển dụng nhân viên liên bang; di dời trụ sở các cơ quan chính phủ ra khỏi thủ đô Washington, DC và áp dụng hệ thống lương dựa trên năng lực. Theo bà, các biện pháp này sẽ giúp chính phủ hoạt động hiệu quả hơn, đồng thời giảm bớt gánh nặng tài chính cho ngân sách quốc gia.
DOGE không chỉ là tên gọi của dự luật mà còn là tên của một ủy ban độc lập do Musk và Ramaswamy thành lập, với nhiệm vụ tìm kiếm các cách cắt giảm lãng phí, gian lận và tối ưu hóa chi tiêu chính phủ. Ủy ban này đã có các cuộc họp tại Đồi Capitol để trình bày các đề xuất cải cách với các nhà lập pháp.
Không dừng lại ở việc cải cách chi tiêu, DOGE còn nhắm đến việc hiện đại hóa công nghệ thông tin (CNTT) trong các cơ quan liên bang. Hiện nay, nhiều cơ quan vẫn sử dụng các hệ thống lỗi thời, không đồng nhất, khiến việc chia sẻ dữ liệu và kiểm tra lãng phí gặp khó khăn. ông Ramaswamy cho rằng hiện đại hóa các hệ thống này là bước đi cần thiết để đạt được hiệu quả chi tiêu tốt hơn.
Một điểm đáng chú ý trong các đề xuất của DOGE là việc giảm chế độ làm việc từ xa cho nhân viên liên bang. Theo kế hoạch, việc làm từ xa sẽ được giới hạn và gắn liền với hiệu suất công việc. Đồng thời, nhiều cơ quan có thể sẽ phải di dời trụ sở ra khỏi Washington. Cơ quan Bảo vệ Môi trường (EPA) được cho là một trong những đơn vị đầu tiên được đề xuất di dời, dù động thái này vấp phải sự phản đối từ phía công đoàn vì lo ngại nhân sự sẽ rời bỏ vị trí.
Các nhà lập pháp Đảng Cộng hòa đang tích cực tham gia vào sáng kiến này. Thượng nghị sĩ Joni Ernst từ bang Iowa, người đứng đầu nhóm DOGE tại Thượng viện, đã công bố một báo cáo khuyến nghị các biện pháp cải cách làm việc từ xa, bao gồm việc giám sát chặt chẽ hơn và tận dụng không gian văn phòng trống để tiết kiệm chi phí. Trong khi đó, Hạ viện cũng sẽ thành lập một tiểu ban DOGE để triển khai các khuyến nghị từ ủy ban.
Dù nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ một số nhà lập pháp, các đề xuất của DOGE không tránh khỏi tranh cãi. Một số chuyên gia kinh tế cho rằng mục tiêu cắt giảm tới một phần ba chi tiêu chính phủ là không khả thi nếu không làm tổn hại đến các dịch vụ công hoặc gây gián đoạn lớn cho hệ thống chính quyền. Các nhân viên liên bang cũng bày tỏ lo ngại về việc di dời cơ quan và giới hạn chế độ làm việc từ xa, cho rằng điều này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu quả công việc và sự gắn bó của nhân sự.
Trong khi đó, một số nhà lập pháp thuộc Đảng Dân chủ cũng bày tỏ sự sẵn sàng tham gia vào các cuộc thảo luận liên quan đến các đề xuất cải cách chính phủ của "Đạo luật DOGE", với điều kiện những biện pháp này phải được triển khai một cách công bằng và không làm ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước.
Dân biểu Jared Moskowitz - một thành viên Đảng Dân chủ đại diện bang Florida tại Hạ viện Hoa Kỳ - nhấn mạnh rằng dù không đồng ý với toàn bộ ý tưởng từ ủy ban DOGE, ông sẵn sàng hợp tác để tìm kiếm những giải pháp hợp lý, tập trung vào việc cải thiện hiệu quả quản trị và sử dụng ngân sách công một cách hợp lý. Ông Moskowitz - người từng giữ vai trò lãnh đạo trong các nỗ lực ứng phó khẩn cấp ở bang Florida, nổi tiếng với quan điểm thực dụng và ưu tiên lợi ích chung - cho rằng các cuộc thảo luận này cần vượt lên trên sự chia rẽ đảng phái để phục vụ tốt hơn cho người dân Mỹ.
Tương lai của “Đạo luật DOGE” phụ thuộc nhiều vào sự ủng hộ của Quốc hội và cách thức triển khai các biện pháp cải cách. Nếu được thực thi, đây có thể là bước ngoặt trong việc tái cơ cấu chính quyền liên bang Mỹ nhưng cũng đặt ra thách thức lớn trong việc cân bằng giữa hiệu quả và sự ổn định của hệ thống hành chính.