Thượng nghị sĩ Mỹ: Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phải trả giá đắt vì xâm lược Syria

Ngày 9/10, Thượng nghị sĩ Mỹ Chris Van Hollen tuyên bố Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phải trả giá đắt vì hành động xâm lược Syria, đồng thời cho biết các biện pháp trừng phạt Ankara đang được hoàn tất.

Chú thích ảnh
Thượng nghị sĩ đại diện cho bang Maryland Chris Van Hollen phản đối Thổ Nhĩ Kỳ tấn công Syria. Ảnh: Politico

Tuyên bố trên được Thượng nghị sĩ Chris Van Hollen đưa ra ngay sau khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan xác nhận chiến dịch quân sự "Mùa xuân Hòa bình" của nước này nhằm chống lại các lực lượng người Kurd ở Đông Bắc Syria đã bắt đầu.

Quyết định rút quân của Tổng thống Mỹ Donald Trump và việc Thổ Nhĩ Kỳ mở chiến dịch quân sự nhằm vào các lực lượng người Kurd ở Đông Bắc Syria vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ của chính giới và các nhà lập pháp Mỹ, những người tới nay vẫn ủng hộ Các Đơn vị Bảo vệ Nhân dân người Kurd (YPG) và Các lực lượng Dân chủ Syria (SDF) trong liên minh chống nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Trên trang mạng cá nhân Twitter, Thượng nghị sĩ Chris Van Hollen nêu rõ: "Thổ Nhĩ Kỳ phải trả giá đắt vì tấn công các đối tác người Kurd của chúng ta ở Syria. Các Thượng nghị sĩ thuộc cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa sẽ không ngừng ủng hộ việc bỏ rơi một tổ chức khu vực có nhiều đóng góp trong việc đẩy IS xuống địa ngục".

Thượng nghị sĩ Cộng hòa Lindsay Graham cho biết ông sẽ cùng Thượng nghị sĩ Chris Van Hollen trình một gói trừng phạt nhằm cứng rắn nhằm vào Thổ Nhĩ Kỳ vì chiến dịch quân sự tại Đông Bắc Syria.

Trước tình hình chiến sự leo thang, Hội đồng Bảo an LHQ đã kêu gọi các bên kìm chế tối đa. Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker ngày 9/10 yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ ngừng chiến dịch quân sự chống lại các tay súng người Kurd tại miền Bắc Syria, đồng thời nói với Ankara rằng Liên minh châu Âu (EU) sẽ không chi trả cho bất kỳ cái gọi là "vùng an toàn" có thể được thiết lập. 

Tây Ban Nha tuyên bố ủng hộ chiến dịch. Trong khi hãng thông tấn RIA dẫn lời Phó Chủ tịch thứ Nhất Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Nga Vladimir Dzhabarov ngày 9/10 nêu rõ Moskva không can dự vào cuộc xung đột giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Syria, sau khi Ankara phát động chiến dịch quân sự vào Đông Bắc Syria. Theo ông Dzhabarov, quân đội Nga đang ở Syria vì những lý do khác nhau và cuộc tấn công quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ vào Syria có thể được coi là xâm phạm chủ quyền của quốc gia này.

Chú thích ảnh
Khu vực chiến sự tại biên giới Đông Bắc Syria. Ảnh: Sky News

Trước đó, tối 9/10 (theo giờ Hà Nội), Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan xác nhận chiến dịch quân sự "Mùa xuân Hòa bình" của nước này nhằm chống lại các lực lượng người Kurd ở Đông Bắc Syria đã bắt đầu.

Trên trang mạng cá nhân Twitter, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan tuyên bố các lực lượng vũ trang Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến vào khu vực Đông Bắc Syria nhằm "hủy diệt một hành lang khủng bố và kiểm soát các vùng lãnh thổ do các lực lượng người Kurd kiểm soát sau khi Mỹ rút quân".

Các phóng viên chiến trường của hãng AP cho biết, đứng từ bên phía Thổ Nhĩ Kỳ nhìn sang khu vực Tal Abyad của Syria cách đó không xa, họ thấy một đoàn dài các phương tiện quân sự của lực lượng vũ trang Thổ Nhĩ Kỳ đang tiến lên.

Trong khi đó, truyền thông khu vực dẫn nguồn tin từ Các lực lượng Dân chủ Syria (SDF) của người Kurd cho hay nhiều tốp máy bay chiến đấu Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu tiến hành không kích các khu vực gần biên giới, trong đó có cả những khu vực dân sự. Theo nguồn tin trên, khu vực này đang rất hỗn loạn và người dân vô cùng hoảng sợ.

Trước đó, trang tin nationalpost.com cho hay các tốp nhỏ binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến vào Đông Bắc Syria, gần hai khu vực Tal Abyad và Ras al-Ayn, từ sáng cùng ngày (9/10) để dọn đường cho cuộc tấn công.

Cận cảnh binh sĩ và xe tăng, xe bọc thép Thổ Nhĩ Kỳ tập trung tại biên giới Syria (Nguồn: TRT)

Trong tuyên bố khai hỏa chiến dịch, Tổng thống Erdogan cho rằng: "Sứ mệnh của chúng tôi là ngăn chặn việc tạo ra một hành lang khủng bố xuyên biên giới phía Nam, và đem lại hòa bình cho khu vực".

Theo Tổng thống Erdogan, từ lâu Thổ Nhĩ Kỳ đã lên kế hoạch can thiệp quân sự chống lại các lực lượng người Kurd tại miền Bắc Syria do quan hệ của lực lượng này với đảng Công nhân người Kurd (PKK) nổi dậy chống Ankara từ năm 1984.

Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ từng nhiều lần tranh cãi về vấn đề các tay súng người Kurd. Trước đây, Washington luôn bảo vệ nhóm đối tượng này bởi YPG và SDF được coi là đối tác đáng tin cậy nhất của Mỹ trong cuộc chiến chống IS tại khu vực chiến lược Đông Bắc Syria. Tuy nhiên, Nhà Trắng đã có một sự thay đổi lớn trong chính sách khi Tổng thống Trump thông báo rút quân khỏi Đông Bắc Syria, quyết định mang tính chất mở đường cho Thổ Nhĩ Kỳ phát động chiến dịch quân sự nói trên.

Hành động đưa quân vào nước láng giềng Syria mà chưa được sự cho phép của Damacus, tương tự như chiến dịch quân sự xuyên biên giới của Thổ Nhĩ Kỳ tại Syria mang tên “Lá chắn sông Euphrates” hồi năm 2016, có nguy cơ kéo theo nhiều hệ lụy nguy hiểm. Syria coi đây là hành vi xâm phạm chủ quyền, làm trầm trọng thêm những căng thẳng trong quan hệ vốn đã nhiều bất đồng lâu nay giữa Ankara và Damascus.

Ngày 9/10, Damascus cũng đã tuyên bố lên án "những tuyên bố chủ chiến, những ý định thù địch ... và tăng cường quân đội" của Thổ Nhĩ Kỳ dọc biên giới với Syria, đồng thời khẳng định sẽ "đáp trả kế hoạch xâm lược" của Ankara.

Thanh Tuấn/Báo Tin tức
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ xác nhận chiến dịch "Mùa xuân Hòa bình" tại Đông Bắc Syria đã bắt đầu
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ xác nhận chiến dịch "Mùa xuân Hòa bình" tại Đông Bắc Syria đã bắt đầu

Tối 9/10 (theo giờ Hà Nội), Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan xác nhận chiến dịch quân sự của nước này nhằm chống lại các lực lượng người Kurd ở Đông Bắc Syria đã bắt đầu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN