Kết quả ủng hộ áp đảo trên vượt xa con số 60 phiếu thuận cần thiết để thông qua quyết định trên và củng cố cho dự đoán rằng trong phiên bỏ phiếu cuối cùng tại Thượng viện về vấn đề này, Montenegro sẽ dễ dàng nhận được 2/3 số phiếu ủng hộ. Một số nguồn tin Thượng viện cho biết phiên bỏ phiếu này có thể diễn ra vào ngày 4 hoặc 5/4 tới.
Hai phiếu chống trong phiên bỏ phiếu ngày 27/3 đến từ 2 thượng nghị sĩ Rand Paul và Mike Lee. Ông Paul phản đối việc sử dụng tiền thuế của Mỹ để bảo vệ một nước nhỏ như Montenegro trong trường hợp nước này bị tấn công (theo nội dung một thỏa thuận giữa các nước thành viên NATO) và lập luận rằng việc kết nạp quốc gia mà quân đội chỉ gồm 2.000 người sẽ làm nặng thêm chi phí của NATO.
Nghị sĩ này cũng cảnh báo việc Mỹ đưa quân đến Montenegro sẽ "dàn mỏng" lực lượng nước này trong bối cảnh quân đội Mỹ vẫn đang hoạt động tại Iraq, Syria, Libya và Yemen. Ông cũng cảnh báo nguy cơ quyết định này làm tồi tệ quan hệ với Nga trong khi "không mang lại gì" cho lợi ích quốc gia của Mỹ.
Trong khi đó, những người ủng hộ việc Montenegro gia nhập NATO khẳng định tầm quan trọng của việc hỗ trợ các quốc gia Đông Âu chia sẻ giá trị của phương Tây và củng cố mối quan hệ giữa những nước này với phương Tây.
Hồi tuần trước, hãng tin Reuters (Anh) công bố một bức thư của Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson gửi tới Thượng viện Mỹ ngày 7/3 hối thúc cơ quan này thông qua việc kết nạp Montenegro vào NATO.
Người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ lập luận việc Montenegro gia nhập NATO sẽ giúp thúc đẩy hội nhập, cải cách dân chủ, thương mại, an ninh và ổn định giữa các nước thành viên và "củng cố lợi ích của nước Mỹ".
Tháng 12/2015, NATO đã mời Montenegro đàm phán gia nhập liên minh quân sự này, động thái ngay lập tức vấp phải sự chỉ trích của Nga.
Ngày 19/5/2016, ngoại trưởng 28 quốc gia thành viên NATO và Thủ tướng Montenegro Milo Dukanovic đã ký nghị định thư kết nạp quốc gia Balkan này vào liên minh quân sự của phương Tây. Theo các nguồn tin ngoại giao, 28 nước thành viên NATO cần 18 tháng để phê chuẩn thỏa thuận gia nhập NATO của Montenegro.
Hiện tại, đã có 25 trên tổng số 28 quốc gia NATO thông qua đề nghị gia nhập của Montenegro- nước chỉ có 620.000 dân nhưng nằm ở vị trí địa chiến lược tại khu vực Balkan. Ngoại trừ Mỹ, 2 nước còn lại chưa phê chuẩn là Hà Lan và Tây Ban Nha.