Thượng viện Mỹ ngăn cản hợp tác quốc phòng với Nga

Ngày 8/12, Thượng viện Mỹ đã thông qua dự luật về ngân sách năm 2017 của Lầu Năm Góc, trong đó có nội dung ngăn cản việc hợp tác quân sự với Nga và phân bổ ngân quỹ hỗ trợ các đồng minh của Mỹ ở châu Âu.

Thượng nghị sĩ Mitch McConnell (trái) phát biểu tại một sự kiện ở thủ đô Washington DC. ngày 8/12. Ảnh: AP/TTXVN

Tổng ngân sách quốc phòng của Mỹ năm 2017 sẽ đạt gần 619 tỷ USD. Dự luật này còn cần được Tổng thống sắp mãn nhiệm của Mỹ Barack Obama ký ban hành luật.

Trước đó, thành viên thuộc các ủy ban phụ trách quốc phòng và quân sự trong Quốc hội Mỹ cho biết họ đã đề nghị chính quyền của Tổng thống Obama phân bổ 3,4 triệu USD nhằm củng cố quốc phòng cho các đồng minh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở châu Âu. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter lưu ý biện pháp đó là do "những hành động hung hăng của Nga". Dự luật trên cũng viện dẫn mối đe dọa khủng bố và dòng người di cư đổ về châu Âu từ Trung Đông là lý do của việc phân bổ ngân sách như vậy.

Theo dự luật trên, bất kỳ sự hợp tác quốc phòng nào với Nga sẽ bị giới hạn cho tới khi Bộ Quốc phòng, phối hợp với Bộ Ngoại giao cung cấp bằng chứng mà phía Mỹ cho là "chấm dứt cách hành xử hung hăng với các quốc gia láng giềng", cụ thể là vấn đề Ukraine liên quan đến bán đảo Crimea - vùng lãnh thổ đã sáp nhập trở lại vào LB Nga từ năm 2014.

Nhiều nghị sĩ hối thúc ông Trump cứng rắn trong vấn đề Ukraine

Trong một diễn biến liên quan cùng ngày, 27 thượng nghị sĩ của cả đảng Cộng hòa và Dân chủ đã gửi một bức thư tới Tổng thống đắc cử Donald Trump, kêu gọi ông có đường lối cứng rắn đối với Nga liên quan đến vấn đề Ukraine. 12 nghị sĩ đảng Cộng hòa và 15 nghị sĩ đảng Dân chủ cho rằng Mỹ cần tăng cường ủng hộ Ukraine về chính trị, kinh tế và quân sự, trong đó bao gồm cả viện trợ vũ khí sát thương mang tính phòng thủ, nhằm giúp Kiev ngăn chặn các hành động thù địch trong tương lai.

Trong số những thượng nghị sỹ của đảng Cộng hòa ký tên vào bức thư nói trên có ông John McCain, Chủ tịch Uỷ ban Quân lực Thượng viện và ông Lindsay Graham, Trưởng ban giám sát Bộ Ngoại giao và một số Thượng nghị sỹ tại Ủy ban Đối ngoại.

Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump đã từng kêu gọi một cách tiếp cận ôn hòa trong quan hệ Nga-Mỹ, đồng thời đánh giá cao khả năng lãnh đạo của Tổng thống Nga Vladimir Putin.

TTXVN/Tin Tức
Thêm một lựa chọn nhân sự gây tranh cãi của ông Trump
Thêm một lựa chọn nhân sự gây tranh cãi của ông Trump

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã đề cử Giám đốc điều hành (CEO) tập đoàn đồ ăn nhanh CKE Restaurants Inc, ông Andy Puzder, làm Bộ trưởng Lao động. Lựa chọn này ngay lập tức đã gây ra nhiều tranh cãi.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN