Dự luật trên sẽ vô hiệu hóa bất cử điều khoản nào trong hợp đồng lao động cấm nạn nhân bị tấn công tình dục hoặc quấy rối tình dục kiện kẻ xâm hại hoặc công ty chủ quản lên tòa án.
Theo các nghị sỹ bảo trợ dự luật, khoảng 60 triệu người lao động Mỹ đang bị ràng buộc bởi điều khoản quy định họ không được kiện hành vi quấy rối tình dục lên tòa án mà phải khiếu nại qua trọng tài. Trong một số trường hợp, người lao động thậm chí không được biết về điều khoản này. Luật sư của các nạn nhân cho rằng tiến trình phân xử qua trọng tài hạn chế trách nhiệm giải trình của đối tượng quấy rối và cản trở việc công khai các cáo buộc.
Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Kirsten Gillibrand, người đồng bảo trợ dự luật khẳng định sẽ không còn tình trạng người bị tấn công hay quấy rối tình dục ở nơi làm việc không được kiện chủ sử dụng lao động.
Thượng nghị sỹ Gillibrand cùng với Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Lindsey Graham đã khởi xướng dự luật trên vào năm 2017, khi phong trào “#MeToo” đã báo động về mức độ phổ biến của nạn tấn công tình dục đối với phụ nữ, nhất là ở nơi làm việc. Dự luật đã được Hạ viện Mỹ thông qua vào đầu tuần này và được Thượng viện thông qua ngày 10/2 với sự ủng hộ hiếm hoi của lưỡng đảng. Hiện dự luật đang chờ Tổng thống Joe Biden ký ban hành thành luật.
Những vụ bê bối quấy rối tình dục đã làm chấn động các công ty Mỹ trong những năm gần đây, đặc biệt ở Thung lũng Silicon. Tháng 11/2018, hàng nghìn nhân viên của hãng Google từ Singapore đến California đã tổ chức một cuộc tuần hành toàn cầu phản đối cách thức công ty xử lý các cáo buộc về quấy rối tình dục. Cuối năm ngoái, Thống đốc bang California, nơi đặt trụ sở của nhiều hãng công nghệ lớn, đã ban hành luật tương tự nhằm ngăn chặn người sử dụng lao động thực thi các thỏa thuận không tiết lộ thông tin khi xử lý các trường hợp quấy rối tình dục.