Nghị quyết không mang tính ràng buộc nêu trên do Thượng nghị sĩ độc lập Dilawar Khan đưa ra tại phiên họp với sự tham gia của 15 thành viên trong tổng số 100 thượng nghị sĩ của Quốc hội Pakistan.
Phát biểu tại phiên họp, Thượng nghị sĩ Dilawar nhấn mạnh Hiến pháp bảo vệ quyền bầu cử cho mọi công dân Pakistan và Ủy ban bầu cử Pakistan buộc phải tiến hành những cuộc thăm dò dư luận tự do và công bằng dựa trên tính toàn diện và đảm bảo sự tham gia của tất cả người dân trong khu vực. Theo ông, “tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu ở các khu vực lạnh hơn sẽ cao đáng kể trong điều kiện thời tiết ôn hòa. Tháng 1 và tháng 2 được coi là những tháng lạnh nhất ở phần lớn các khu vực thuộc 2 tỉnh Balochistan và Khyber Pakhtunkhwa”.
Bên cạnh đó, Thượng nghị sĩ Dilawar còn nhấn mạnh thêm về tình trạng gia tăng đột biến các vụ tấn công nhằm vào lực lượng an ninh và người dân, đặc biệt là ở 2 tỉnh Khyber Pakhtunkhwa và Balochistan. Các cơ quan tình báo Pakistan cũng đã cảnh báo về mối đe dọa tấn công của phiến quân đối với những cuộc mít tinh bầu cử ở cả hai địa phương này. Chính vì vậy, ông đã yêu cầu hoãn lịch trình bầu cử để tạo điều kiện cho người dân trên khắp Pakistan, thuộc mọi sắc thái chính trị có thể tham gia cuộc tổng tuyển cử một cách hiệu quả và an toàn.
Trước đó, ngày 9/12/2023, hãng Dawn dẫn lời Bộ trưởng Nội vụ tạm quyền của Pakistan khi đó là ông Sarfraz Ahmed Bugti bày tỏ lo ngại các nhà lãnh đạo chính trị trong nước đang phải đối mặt với những mối đe dọa khủng bố suốt thời gian chuẩn bị cho cuộc tổng tuyển cử.
Ông Bugti đã nêu bật mối đe dọa chung đối với các nhân vật chính trị, trong đó có lời cảnh báo cụ thể dành cho người đứng đầu đảng Jamiat Ulema-e-Islam (JUI-F) Maulana Fazlur Rehman. Ông Bugti khẳng định giới lãnh đạo chính trị Pakistan phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng trong các cuộc tuần hành và tụ họp công khai giữa bối cảnh khủng bố hiện nay. Ông cũng chỉ ra một trong những vấn đề lớn là các nhân vật chính trị muốn tiếp xúc trực tiếp với cử tri.
Theo ông Bugti, từng xảy ra các vụ tấn công khủng bố vào những ngày bầu cử, đồng thời nhắc lại rằng nhiều nhà lãnh đạo chính trị - trong đó có các cựu Thủ tướng Shaukat Aziz, Benazir Bhutto, Nawab Sanaullah Zehri và Mir Siraj Khan Raisani - đã trở thành mục tiêu tấn công trong các chiến dịch bầu cử và những cuộc mít tinh chính trị từ năm 2002 trở lại đây.