Thượng viện Thái Lan thông qua gói kích thích kinh tế 60 tỷ USD

Sau hai ngày thảo luận, Thượng viện Thái Lan ngày 2/6 đã thông qua gói kích thích kinh tế trị giá 1.900 tỷ baht (khoảng 60 tỷ USD) để giảm thiểu những khó khăn do dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 gây ra. 

Chú thích ảnh
Người dân thủ đô Bangkok đi mua sắm sau khi các biện pháp phong tỏa phòng chống COVID-19 được nới lỏng. Ảnh: Ngọc Quang/TTXVN

Gói kích thích kinh tế này bao gồm 3 sắc lệnh khẩn cấp. Sắc lệnh thứ nhất cho phép Bộ Tài chính Thái Lan vay 1.100 tỷ baht để khôi phục nền kinh tế, sắc lệnh thứ hai dành những khoản vay ưu đãi với tổng giá trị 500 tỷ baht cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Sắc lệnh thứ ba dành số tiền còn lại cho việc ổn định hệ thống tài chính và an ninh kinh tế. 

Trước đó, ngày 31/5, Hạ viện Thái Lan cũng đã thông qua gói hỗ trợ kinh tế trên.

Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, kinh tế Thái Lan có nguy cơ rơi vào suy thoái. Theo đánh giá của Ngân hàng Trung ương Thái Lan (BoT), nền kinh tế lớn thứ hai Đông Nam Á này sẽ sụt giảm nghiêm trọng, ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp và người dân. Kinh tế Thái Lan trong quý I/2020 đã giảm 1,8% so với cùng kỳ năm ngoái, sau khi tăng 1,5% trong quý IV/2019.

Sau khi điều chỉnh các biến động định kỳ, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Thái Lan trong quý I/2020 đã giảm 2,2% so với quý trước đó. Đây là lần đầu tiên kinh tế Thái Lan suy giảm kể từ năm 2014. Kết quả hoạt động kinh tế ảm đạm trong 3 tháng đầu năm nay đã khiến Hội đồng Phát triển Kinh tế và Xã hội Quốc gia Thái Lan (NESDC) điều chỉnh dự báo kinh tế trong cả năm 2020 là giảm từ 5 - 6% so với mức kỳ vọng tăng từ 1,5 - 2,5% được đưa ra hồi tháng 2. Trong khi đó, BoT dự báo nền kinh tế này sẽ giảm 5,3% trong năm 2020.

Trong khi đó, tại Nam Phi, Bộ Tài chính nước này ước tính dịch COVID-19 và tình trạng phong tỏa toàn quốc có thể làm mất từ 690.000 đến 1,79 triệu việc làm.

Theo phóng viên TTXVN tại Nam Phi, báo cáo đánh giá tác động của COVID-19 đối với các ngành được Bộ Tài chính nước này đưa ra ngày 1/6 cho thấy trong trường hợp Nam Phi có thể phục hồi nhanh chóng sau COVID-19 thì vẫn mất khoảng 690.000 việc làm và trong kịch bản xấu nhất, con số thất nghiệp có thể tăng thêm 1,79 triệu.

Điểm đáng chú ý của đợt khảo sát lần này là việc sử dụng biện pháp tương đương toàn thời gian (FTE), trong đó tính đến các trường hợp được nghỉ phép theo quy định và các biện pháp khác nhằm giảm thiểu tác động của dịch bệnh đối với lực lượng lao động.

Trước đó, cuối tháng 4 vừa qua, báo cáo trước Ủy ban thường trực về tài chính của Quốc hội, Bộ Tài chính dự đoán Nam Phi có thể mất từ 3 triệu đến 7 triệu việc làm do COVID-19 nếu nền kinh tế nước này tiếp tục phải đóng cửa do dịch bệnh, khiến tỷ lệ thất nghiệp tăng lên gần 50% so với mức gần 30% hiện nay.

Theo bộ trên, các ngành sẽ bị ảnh hưởng chủ yếu là sản xuất, xây dựng, thương mại, ăn uống, và dịch vụ nhà ở và khách sạn, dịch vụ tài chính và kinh doanh. Cũng theo cơ quan này, tăng trưởng kinh tế của Nam Phi sẽ giảm từ 5,4% đến 16,1%.

Ngọc Quang - Đình Lượng (TTXVN)
Giãn cách nới lỏng, người dân Thái Lan đổ xô đi xem phim, massage
Giãn cách nới lỏng, người dân Thái Lan đổ xô đi xem phim, massage

Rạp chiếu phim, các cửa hàng massage Thái Lan ngày 1/6 đã đón những vị khách đầu tiên trở lại sau khi các lệnh hạn chế do dịch COVID-19 được nới lỏng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN