Thương vụ S-300: Mỹ xem nhẹ, Nga-Iran gặp khó

Tổng thống Mỹ Barack Obama đã chủ động giải tỏa những lo ngại trước việc Nga dỡ lệnh cấm xuất khẩu hệ thống phòng không S-300 cho Iran.

Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình MSNBC hôm 21/4, ông Obama thừa nhận, hợp đồng mua bán (bị trì hoãn 6 năm qua) vẫn là mối quan ngại và Mỹ phản đối việc chuyển giao này, nhất là khi Iran và Nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức) đang còn tiếp tục đàm phán để đạt thỏa thuận toàn diện về chương trình hạt nhân của Tehran.

Ông Barack Obama xuất hiện trên kênh truyền hình MSNBC hôm 21/4. Ảnh: NBC


Tuy nhiên, ông chủ Nhà Trắng cũng đưa ra những so sánh về sức mạnh quân sự trước Iran để khẳng định rằng Mỹ hoàn toàn có thể khuất phục hệ thống này. “Chúng ta phải nhớ điều này. Ngân sách quốc phòng của Mỹ rơi vào tầm 600 tỉ USD/năm, trong khi của họ (Iran) chỉ ở mức 17 tỉ USD/năm. Ngay cả khi Iran sở hữu một số hệ thống phòng không, thì chúng ta vẫn có thể đánh bại họ, một khi bắt buộc phải làm vậy”, ông Obama nhìn nhận.

Hôm 17/4, phát biểu trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Italy Matteo Renzi tại Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ cũng nói rằng ông không bất ngờ trước quyết định của Mosvka, thậm chí còn tỏ ra “ngạc nhiên” vì Nga trì hoãn chuyển giao S-300 cho Iran lâu đến vậy, khi mà lệnh trừng phạt do Liên hợp quốc áp đặt không bao gồm việc cấm chuyển giao loại vũ khí phòng thủ này.

Hợp đồng lận đận

Năm 2007, Iran ký với Nga bản hợp đồng mua 5 tiểu đoàn tên lửa phòng không S-300PMU-1, trị giá 800 triệu USD. Thế nhưng, ngày 22/9/2010, Tổng thống Dmitry Medvedev đã quyết định dừng việc chuyển giao. Đáp lại, Tehran đâm đơn kiện tập đoàn xuất nhập khẩu vũ khí Rosoboronexport (Nga) ra Tòa trọng tài ở Geneva năm 2011, đòi mức bồi thường 4 tỉ USD. Hôm 13/4 vừa qua, Tổng thống Nga Vladimir Putin ký sắc lệnh bãi bỏ lệnh cấm chuyển giao S-300 cho Iran.

Hệ thống phòng thủ S-300 của Nga. Ảnh: AP


Phát biểu trước báo giới khi tham dự một cuộc hội thảo ở Nga hôm 16/4, Bộ trưởng Quốc phòng Iran, chuẩn tướng Hossein Dehqan cho biết, hai bên đang gấp rút hoàn tất quá trình đàm phán, để việc chuyển giao có thể sẽ được thực hiện vào cuối năm nay.

Tuy nhiên, giới phân tích nhận định, những tuyên bố của Moskva và Tehran mới chỉ là thể hiện quyết tâm chính trị và hai bên còn rất nhiều việc phải làm. Xét về mặt kĩ thuật, Nga hiện nay đã không còn sản xuất loại S-300PMU-1 mà Iran đặt mua. Nếu muốn sở hữu hệ thống phòng không này, Tehran chỉ còn cách đặt mua S-300 phiên bản mới hơn, cụ thể là S-300VM (phương Tây định danh là Antey-2500), hoặc S-400.

S-300VM hiện đang được sản xuất theo đơn đặt hàng của Ai Cập. Nhưng chính Tehran đã từng từ chối đề xuất của Nga hồi năm 2013 về việc cấp S-300VM thay cho S-300PMU-1 để tránh việc kiện tụng nhau ra tòa Trọng tài Geneva. Nếu chấp nhận phương án này, hai bên sẽ phải đàm phán lại từ đầu và rất khó để hoàn tất việc sản xuất, chuyển giao ngay trong năm nay. S-400 đương nhiên là sản phẩm mà Iran sẽ rất thích và mong muốn sở hữu. Nhưng các nhà máy quốc phòng của Nga từ nay đến 2020 đã kín các đơn hàng S-400 cho Trung Quốc và các đơn vị chiến đấu của Nga, rất khó để chen vào. Nếu muốn, Iran sẽ phải chờ 8-10 năm nữa - điều mà Tehran khó có thể bằng lòng.

Một lựa chọn khác là Nga sẽ phải chấp nhận rút các tiểu đoàn S-300PMU-1 hiện có trong biên chế để chuyển giao cho Iran. Giải pháp này cũng ít có tính khả thi, vì lực lượng phòng không của Nga sẽ bị “rỗng”, Moskva sẽ phải tính toán, điều chỉnh lại các thông số, chỉ số kĩ thuật cho phù hợp để đạt chất lượng tương đương với một hệ thống S-300 mới – một việc làm cũng tốn nhiều thời gian. 


Hoài Thanh (Theo RBTH, TimesofIsrael)

 Iran, Nga đàm phán chuyển giao hệ thống phòng không S-300
Iran, Nga đàm phán chuyển giao hệ thống phòng không S-300

Iran và Nga hiện đang tiến hành đàm phán về thời gian chuyển giao hệ thống phòng thủ tên lửa S-300.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN