Thương vụ tàu sân bay Mistral Pháp nhận đóng cho Nga đã đi tới hồi kết: Paris đồng ý hoàn trả tiền cho Mosvka và được tự do quyết định số phận hai tàu này. Thế nhưng những hệ quả chính trị thì vẫn còn đó: Điện Elysee giờ bị coi là người bị điều khiển từ Washington và con đường theo hướng độc lập, “tự quyết” mà nhà lãnh đạo Charles de Gaulle định ra cho nước Pháp cũng đi vào lối cụt. Những nước từng có bước đi khởi đầu trong phát triển hợp tác kinh tế, quân sự với Pháp giờ cũng phải do dự hoặc xét lại sau khi chứng kiến hợp đồng tàu Mistral đổ bể. Paris giờ khó có thể thuyết phục được các đối tác làm ăn ở châu Phi, châu Á, Trung Đông về sự “thật tâm” trong các hợp đồng hay ý định hướng xoay trục nào đó, khi mà không thể tự đưa ra được quyết định và bị chỉ đạo từ những “ông chủ” bên ngoài.
Sau nhiều tháng đàm phán, với sự tham gia của cả cấp lãnh đạo cao nhất là Tổng thống Francois Hollande và Vladimir Putin, Nga và Pháp cuối cùng cũng đi tới thỏa thuận về việc Pháp hoàn trả số tiền Nga đã thanh toán. Cùng với đó là chi phí về đào tạo, huấn luyện thủy thủ, thuyền viên, xây dựng cơ sở hạ tầng ở Vladivostok – địa điểm dự định sẽ là căn cứ của hai chiếc tàu Mistral mang tên Vladivostok và Sevastopol và khoản tiền mà Nga đã bỏ ra để đóng 4 trực thăng biên chế trên hai tàu này. Trước đó, do sức ép từ Washington, Paris đã từ chối giao tàu cho Moskva theo đúng hợp đồng ký kết hồi tháng 6/2011 với lý do Nga có vai trò liên quan trong cuộc khủng hoảng ở Ukraine.
Tàu chiến lớp Mistral Sevastopol rời cảng Saint-Nazaire, Pháp trong cuộc thử nghiệm trên biển đầu tiên ngày 16/3. Ảnh: AFP-TTXVN |
Thế nhưng, điều dễ nhận thấy là thiệt hại đối với Pháp không chỉ dừng lại ở đó. Chi phí bảo dưỡng, duy trì vận hành cho hai tàu chiến này là 2 triệu euro/tháng. Nhà sản xuất – tập đoàn DCNS, lo ngại số tiền này sẽ không được thành toán và trở thành gánh nợ tài chính. Số phận của Vladivostok và Sevastopol sau khi được Nga “giải phóng” thì cũng chưa rõ ràng, do việc tìm được khách mua không phải dễ. Ngay sau khi hoàn tiền cho Nga, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Dria nói rằng có nhiều nước mong muốn mua tàu Mistral và Paris giờ có thể rảnh tay đẩy mạnh đàm phán với các đối tác này khi không còn vướng bận với Nga. Trước đây, Canada bắn tiếng quan tâm đến Mistral, nhưng đây không phải là đối tác “dễ chơi”. Ấn Độ và một số nước khác cũng nói là xem xét, nhưng chắc chắn không thể sớm có hợp đồng bán đứt 2 tàu sân bay trực thăng này.
Những vấn đề tiểu tiết, kĩ thuật khác cũng là thách thức. Mọi chỉ dẫn trên tàu đều được in bằng tiếng Nga. Trước đó, Moskva cũng yêu cầu DCNS phải trang bị các hệ thống sưởi ấm trên tàu Mistral. Hệ thống này sẽ rất hoàn hảo khi tàu hoạt động, vận hành tại Biển Baltic, nhưng lại vô dụng tại những vùng biển khác, ví như ở Ấn Độ Dương.
Nhưng còn đó cái “mất” không thể bỏ qua, xem thường – đó là mất mát về danh tiếng. Ở tầm cao nhất, các nước liệu có còn tin tưởng vào một nước Pháp như là một đối tác chính trị, kinh tế hoàn hảo? Thấp hơn, các công ty, tập đoàn Pháp (đơn cử như DCNS/STX) giờ cũng chịu thêm tiếng xấu, gặp khó khăn trong các hoạt động làm ăn ở bên ngoài, nhất là đối với những hợp đồng, khoản đầu tư mang tính chiến lược, dài hạn.
Nhiều chính trị gia phương Tây coi vụ hủy giao tàu Mistral cho Nga là thảm họa đối với Pháp. Chính nghị sĩ Quốc hội Pháp Thierry Mariani đã bình luận rằng quyết định của điện Elysee cho thấy “không có nền độc lập ở Paris”.