Belarus đã giao vũ khí tiên tiến cho đối thủ "không đội trời chung" của Armenia mặc dù cả hai nước được cho là đồng minh trong một hiệp ước phòng thủ quốc tế do Nga đứng đầu, theo các tài liệu bị rò rỉ mà tờ Politico của Mỹ thu thập được.
Tài liệu rò rỉ đã làm sáng tỏ quyết định của Armenia trong tuần này về tuyên bố sẽ rời khỏi Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO), một bước ngoặt kịch tính sẽ làm suy yếu ảnh hưởng của Nga đối với các quốc gia thuộc Liên Xô cũ.
Armenia hiện đang xích lại gần phía phương Tây, ngày càng hướng tới châu Âu và NATO sau nhiều thập kỷ dựa vào Moskva.
Armenia đã rơi vào cuộc xung đột căng thẳng với Azerbaijan ở khu vực Nam Caucasus, tại ngã ba chiến lược giữa châu Á và châu Âu, vốn thường xuyên bùng phát thành một cuộc chiến tranh toàn diện.
Quyết định của Belarus - một đồng minh của Nga - cung cấp khí tài quân sự tiên tiến cho Azerbaijan từ năm 2018 đến năm 2022, giúp nước này chiếm ưu thế trong một loạt cuộc chiến với đối thủ là Armenia.
Cả Belarus và Armenia đều là thành viên của CSTO, một liên minh quân sự thời hậu Xô Viết do Moskva lãnh đạo và được thành lập vào năm 2002. Về mặt lý thuyết, các thành viên có nghĩa vụ bảo vệ lẫn nhau nếu bị tấn công. Azerbaijan rút khỏi CSTO vào năm 1999.
Hôm 12/6, Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan tuyên bố chính phủ nước này sẽ bắt đầu quá trình rút khỏi CSTO, tuyên bố các thành viên của khối này “không hoàn thành các nghĩa vụ theo thoả thuận của họ”.
Hiện kho tài liệu lưu trữ hơn chục bức thư, công hàm ngoại giao, hóa đơn mua bán mà tờ Politico tiếp cận được được cho thấy Belarus đã tích cực hỗ trợ các lực lượng vũ trang của Azerbaijan từ năm 2018 đến năm 2022, khi căng thẳng với Armenia lên đến đỉnh điểm. Các dịch vụ được cung cấp bao gồm hiện đại hóa các thiết bị pháo binh cũ và cung cấp các thiết bị mới sử dụng cho hệ thống tác chiến điện tử và máy bay không người lái.
Các tài liệu này bao gồm cả những bức thư từ cơ quan xuất khẩu vũ khí nhà nước Belarus gửi tới các công ty công nghiệp quân sự của nước này liên quan đến các đơn đặt hàng thiết bị nhắm mục tiêu của pháo binh hiện đại cho Azerbaijan, cũng như thư từ giữa hai quốc gia đồng ý mua tổ hợp tác chiến điện tử Groza-S cho lực lượng vũ trang Azerbaijan.
Pháo binh và máy bay không người lái được sử dụng rộng rãi trong trận chiến giữa lực lượng Azerbaijan và Armenia trong những năm gần đây. Điều này bao gồm cả cuộc chiến năm 2020 giữa hai bên về khu vực tranh chấp Nagorny-Karabakh, nằm bên trong biên giới được quốc tế công nhận của Azerbaijan nhưng nằm dưới sự kiểm soát của những người Armenia như một quốc gia không được công nhận kể từ cuộc xung đột tàn khốc sau sự sụp đổ của Liên Xô.
Một cuộc tấn công của Azerbaijan vào tháng 9 năm ngoái đã giúp nước này giành lại quyền kiểm soát Nagorny-Karabakh và gây ra một cuộc di cư hàng loạt của 100.000 cư dân.
Một trong những thông tin ngoại giao mà Politico có được cho biết các doanh nghiệp Belarus đang đóng vai trò tích cực “trong việc khôi phục các vùng lãnh thổ không bị chiếm đóng của Azerbaijan, cũng như xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ của Belarus” sang nước này.
Các lực lượng Azerbaijan cũng tiến hành một số cuộc xâm nhập vào lãnh thổ Armenia vào tháng 9/2022. Armenia khi đó đã kêu gọi CSTO hỗ trợ, nhưng sau đó cáo buộc khối này không tôn trọng các cam kết của mình sau khi chỉ đề nghị cử một phái đoàn đến tìm hiểu thực tế. Kể từ đó, Thủ tướng Pashinyan đã đạt được thỏa thuận mở rộng phái đoàn giám sát của EU tại biên giới căng thẳng giữa hai nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ và mời quân đội Mỹ tham gia các cuộc tập trận chung.
Eduard Arakelyan, một nhà phân tích quân sự tại Trung tâm Dân chủ và An ninh Khu vực Yerevan, đã xác minh rằng các tài liệu bị rò rỉ liên quan đến phần cứng quân sự được Azerbaijan sử dụng trong các cuộc chiến gần đây, cả ở Nagorny-Karabakh.
Ông Arakelyan nói: “Những thiết bị này được sử dụng nhằm vào quân đội Armenia và được cung cấp bởi một quốc gia được cho là đồng minh của Armenia".
Phản ứng về vấn đề trên, Bộ Ngoại giao Belarus đã triệu Đại sứ Armenia ở Minsk để làm rõ vấn đề hôm 13/6 sau khi Thủ tướng Pashinyan đưa ra cáo buộc vào ngày hôm trước. Đại sứ Armenia sau đó được triệu hồi về Yerevan và Đại sứ Belarus trở về Minsk để tham vấn.