Ngoại trưởng Thụy Điển Carl Bildt ngày 3/6 cảnh báo việc Scotland tách khỏi Anh thành quốc gia độc lập có thể dẫn tới tình trạng "Balkan hóa" quốc đảo Anh và gây hậu quả sâu rộng cho cả châu Âu.
Trả lời phỏng vấn tờ "Thời báo Tài chính" của Anh, ông Bildt nhận định sẽ có những phản ứng dây chuyền chưa từng thấy ở châu Âu và Anh nếu Scotland tiến hành trưng cầu ý dân về độc lập cho vùng này vào ngày 18/9 tới. Từng là đặc phái viên của Liên hợp quốc tại Balkan từ năm 1999-2001, ông Bildt cho rằng một cuộc trưng cầu ý dân như vậy không chỉ dẫn tới sự li tán đau thương mà còn ảnh hưởng tới các mối quan hệ trong Liên minh châu Âu (EU). Theo ông, cần có sự thương lượng lại về cuộc trưng cầu ý dân ở Scotland.
Bình luận của ông Bildt thể hiện mối lo ngại mới nhất của một nước thành viên EU liên quan cuộc trưng cầu ý dân về độc lập cho một trong 4 xứ của Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland. Nó cũng gợi lại lời cảnh báo hồi tháng Tư của Huân tước Robertson - cựu Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây dương (NATO), cựu Bộ trưởng Quốc phòng Anh - cho rằng đa số quá bán (50% + 1 cử tri) trả lời "đồng ý" trong cuộc trưng cầu ý dân tháng 9 tới ở Scotland sẽ là một thảm họa địa chính trị và có thể dẫn tới làn sóng Balkan hóa trên khắp châu Âu.
Ông Bildt cũng nhấn mạnh mối nguy hiểm từ việc Anh rút khỏi EU, nếu điều này trở thành hiện thực sau cuộc trưng cầu ý dân mà Thủ tướng nước này, David Cameron, dự định tiến hành vào năm 2017. Ông Cameron cho biết sẽ tổ chức cuộc trưng cầu ý dân về việc rút khỏi EU nếu ông giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử ở Anh năm sau. Theo ông Bildt, việc Anh rời khỏi EU là một mất mát đáng kể cho liên minh gồm 28 nước thành viên này, song chính Anh sẽ phải chịu tổn thất lớn hơn và một nước Anh nằm ngoài EU sẽ chẳng khác nào "một hòn đảo trôi dạt trên Đại Tây dương".
Thụy Điển là một trong những đồng minh thân cận nhất của Anh ở châu Âu. Chính phủ trung hữu của Thụy Điển do Thủ tướng Fredrik Reinfeldt đứng đầu đã thiết lập quan hệ gần gũi với đảng Bảo thủ của ông Cameron.
TTXVN/ Tin tức