Tuy nhiên, việc tiêm chủng vaccine này mới chỉ áp dụng cho người trên 65 tuổi.
Phát biểu họp báo, nhà dịch tễ học hàng đầu của Thụy Điển Anders Tegnell, "kiến trúc sư" của chiến lược ứng phó với dịch COVID-19 của nước này, cho biết: "Vaccine của AstraZeneca là một loại vaccine rất hiệu quả và rất cần thiết để ngăn ngừa mắc COVID-19 ở những người cao tuổi, đặc biệt trong thời điểm hiện nay, khi dịch bệnh đang ngày một lây lan".
Tuy nhiên, ông cho biết vaccine này chỉ được tiêm cho những người ngoài 65 tuổi, trong khi các báo cáo về biến chứng của chế phẩm này ở những người trẻ tuổi hơn đang được tiếp tục nghiên cứu. Hiện việc sử dụng vaccine của AstraZeneca cho những người thuộc nhóm này vẫn tạm dừng cho tới khi có thông tin về những nguy cơ thực sự.
Hồi đầu tuần này, Phần Lan và Iceland cũng đưa ra thông báo tương tự, trong khi Đan Mạch ngày 25/3 cho biết sẽ tiếp tục tạm dừng tiêm vaccine của AstraZeneca thêm 3 tuần nữa. Trong khi đó, Bộ Y tế Canada khẳng định ủng hộ việc sử dụng vaccine phòng COVID-19 của AstraZeneca song song với việc dán nhãn cung cấp thông tin về các triệu chứng đông máu hiếm gặp sau khi tiêm.
Tính tới nay, Canada đã nhận 500.000 liều vaccine và dự kiến nhận thêm 1,5 triệu liều vào tháng 5 tới. Bộ Y tế Canada cho biết đã đánh giá những dữ liệu hiện có và xác định rằng vaccine của AstraZeneca không làm gia tăng nguy cơ đông máu.
Vaccine của AstraZeneca là một trong những vaccine phòng COVID-19 được công bố đầu tiên trên thế giới và là một trong những công cụ quan trọng trong tiến trình thúc đẩy tiêm chủng phòng bệnh trên toàn thế giới vì có giá thành phải chăng và có thể được bảo quản lâu dài ở nhiệt độ tủ lạnh. Mỹ đã đặt mua khoảng 300 triệu liều vaccine của hãng này. Mới đây, một số nước châu Âu từng tạm dừng sử dụng vaccine này do lo ngại những tác dụng phụ.
Tuy nhiên, ngày 18/3, Cơ quan dược phẩm châu Âu (EMA) đã khẳng định vaccine an toàn và nhìn chung không liên quan hiện tượng đông máu đồng thời cho rằng chỉ cần thêm thông tin cảnh báo về các nguy cơ trên nhãn mác của vaccine. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng ủng hộ việc tiêm vaccine ngừa COVID-19 của hãng AstraZeneca và kêu gọi các quốc gia duy trì việc triển khai tiêm chủng sau khi xem xét các báo cáo về hiện tượng đông máu ghi nhận ở một số trường hợp được tiêm vaccine.
Trong khi đó, ngày 25/3, Bộ Khoa học và Giáo dục Đại học LB Nga thông báo Trung tâm Chumakov đã chính thức sản xuất loại vaccine ngừa COVID-19 thứ ba của Nga có tên CoviVac dù chế phẩm này vẫn trong quá trình thử nghiệm giai đoạn 3.
Theo phóng viên TTXVN tại Moskva, vaccine CoviVac được bào chế ở dạng dung dịch để tiêm bắp. Giá bán tối đa là 4,330 rúp (khoảng 57 USD) cho 10 ống. Vaccine này vừa được cấp phép vào tháng 2/2021 và dự kiến sẽ được sản xuất ít nhất 10 triệu liều vào cuối năm nay.
Theo kết quả thử nghiệm của Trung tâm Chumakov, mức độ kháng thể ở các tình nguyện viên sau khi tiêm CoviVac được đánh giá tốt. Trung tâm dự kiến sẽ nộp hồ sơ lên WHO vào mùa Thu năm nay.
CoviVac là vaccine ngừa COVID-19 thứ ba của Nga được cấp phép lưu hành và sẽ được chuyển đến các vùng lãnh thổ của Nga trong thời gian tới. Trước đó, Nga đã có hai loại vaccine được lưu hành là Sputnik-V và EpiVacCorona.