Hãng tin RT và Tass của Nga cho biết Thụy Điển và Phần Lan đã ký các nghị định thư gia nhập liên minh ngày 5/7 tại trụ sở của tổ chức này ở Brussels (Bỉ).
Các đại sứ các nước thành viên NATO đã chính thức ký nghị định thư kết nạp với Ngoại trưởng Phần Lan Pekka Haavisto và Ngoại trưởng Thụy Điển Ann Linde. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói: “Đây là một thời khắc lịch sử. Đối với Phần Lan, đối với Thụy Điển, đối với NATO và đối với an ninh chung của chúng ta... Với 32 quốc gia thành viên, chúng ta sẽ mạnh hơn nữa và người dân của chúng ta sẽ an toàn hơn khi chúng ta đối mặt với cuộc khủng hoảng an ninh lớn nhất trong nhiều thập kỷ".
Theo Tổng thư ký Stoltenberg hai quốc gia Bắc Âu này đã “chính thức xác nhận mong muốn và năng lực đáp ứng các nghĩa vụ chính trị, pháp lý và quân sự, cùng với các cam kết khác của thành viên NATO”.
Tiếp theo, các nghị định thư gia nhập liên mình nói trên sẽ cần phải được tất cả 30 quốc gia thành viên NATO hiện nay phê chuẩn.
Phát biểu trước báo giới, Ngoại trưởng Phần Lan Haavisto đã đánh giá cao việc NATO ủng hộ nỗ lực tham gia liên minh của nước này. Trong khi người đứng đầu ngành ngoại giao Thụy Điển Linde đánh giá lễ ký các nghị định thư này là “ngày lịch sử đối với” hai nước.
Ngoại trưởng Linde nói: “Chúng tôi vô cùng cảm kích tất cả sự ủng hộ mạnh mẽ của liên minh, được phản ánh trong tuyên bố Hội nghị thượng đỉnh Madrid hồi tuần trước. Lễ ký hôm nay một lần nữa xác nhận sự ủng hộ này. Đây là bước quan trọng đối với tư cách thành viên NATO đầy đủ của chúng tôi... Với tư cách một thành viên NATO tương lai, Thụy Điển sẽ đóng góp vào an ninh của tất cả các đồng minh. Chúng tôi tin rằng tư cách thành viên của Thụy Điển sẽ giúp củng cố NATO và gia tăng ổn định ở khu vực châu Âu-Đại Tây Dương".
Hai quốc gia Bắc Âu Thụy Điển và Phần Lan nộp đơn xin gia nhập NATO hồi giữa tháng 5 vừa qua. Ban đầu, nỗ lực này vấp phải trở ngại lớn do sự phản đối của Thổ Nhĩ Kỳ. Theo hiến chương NATO, liên minh này chỉ có thể kết nạp thành viên mới nếu đơn xin gia nhập của nước đó được tất cả 30 quốc gia thành viên tổ chức tán thành.
Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ ngày 28/6 đã tuyên bố ngừng phản đối Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO, mở đường cho hai nước tham gia liên minh quân sự do Mỹ đứng đầu. Thổ Nhĩ Kỳ đã bày tỏ ý kiến phản đối, cho rằng Thụy Điển và Phần Lan chứa chấp các đối tượng có liên quan tới nhóm chiến binh của PKK và những nhân vật ủng hộ Giáo sĩ Hồi giáo Fethullah Gulen, người đang sống lưu vong tại Mỹ và bị Ankara cáo buộc là chủ mưu vụ đảo chính hồi năm 2016 nhằm lật đổ Tổng thống Erdogan. Bên cạnh đó, Thổ Nhĩ Kỳ cũng yêu cầu Phần Lan bàn giao các nghi phạm khủng bố - đây là yêu cầu mà Ngoại trưởng Haavisto cho là chỉ có thể được thực hiện nếu nguyên tắc bình đẳng trước pháp luật được tôn trọng. Các khúc mắc đã được các bên giải quyết bên lề Hội nghị thượng đỉnh NATO tuần trước ở Madrid (Tây Ban Nha).
Tổng thư ký Stoltenberg cho biết Thụy Điển và Phần Lan sẽ trở thành quan sát viên tại hội nghị thượng đỉnh sắp tới của NATO. Ông nói thêm bản ghi nhớ bao gồm các điều khoản về chống khủng bố và xuất khẩu vũ khí.