Sau cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in ngày 19/9, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã nhất trí phá bỏ hoàn toàn bãi thử động cơ tên lửa đạn đạo và phóng tên lửa duy nhất của mình ở Dongchang-ri trước sự chứng kiến của các chuyên gia quốc tế. Ông Kim cũng đề nghị phá bỏ tổ hợp hạt nhân tại Yongbyon nếu Mỹ có các biện pháp thiện chí tương ứng.
Hoan nghênh kết quả cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều, Tổng thống Mỹ Donald Trump viết trên Twitter rằng ông Kim "đã đồng ý cho phép thanh sát hạt nhân, chủ đề của các cuộc đàm phán cuối cùng", song vẫn chưa rõ ông Trump muốn hàm ý gì với cụm từ "thanh sát hạt nhân".
Đài RFA dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Thụy Điển Vilhelm Rundquist cho biết Thụy Điển "hoan nghênh cuộc gặp và đối thoại liên Triều. Liên quan đến các cuộc thanh sát hạt nhân, Thụy Điển sẵn sàng đóng góp các thanh sát viên nếu được đề nghị".
Thụy Điển có quan hệ ngoại giao với Triều Tiên từ năm 1973 và là quốc gia phương Tây đặt tiên lập đại sứ quán tại Bình Nhưỡng năm 1975. Đại sứ quán Thụy Điển tại Bình Nhưỡng cũng đại diện cho cả lợi ích của Australia, Canada và các nước Bắc Âu.
Thông điệp tương tự cũng được người phát ngôn Bộ Ngoại giao Thụy Sĩ Carole Wälti đưa ra: "Nếu được đề nghị, Thụy Sĩ cũng luôn sẵn sàng cung cấp sự hỗ trợ có thể giúp tăng cường nỗ lực xây dựng hòa bình và ổn định trong khu vực".