Cơ quan trên tuyên bố: "Sau khi xem xét tỉ mỉ các thông tin được cung cấp, Swissmedic kết luận rằng vaccine ngừa COCIVID-19 của Pfizer/BioNTech là an toàn". Đây cũng là loại vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên được nhà chức trách nước này cấp phép lưu hành.
Giám đốc Swissmedic - ông Raimund Bruhin cho biết: "Sự an toàn của bệnh nhân là điều kiện tiên quyết cần thiết, đặc biệt là khi sự cấp phép sử dụng vaccine đang rất được lưu tâm". Ông đồng thời nhấn mạnh, các kết quả giám định đã cho thấy loại vaccine của Pfizer/BioNTech "đáp ứng tuyệt đối ba yêu cầu quan trọng nhất, đó là an toàn, hiệu quả và chất lượng".
Thụy Sĩ hiện đã đảm bảo nguồn cung khoảng 15,8 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 thông qua các hợp đồng với ba nhà sản xuất. Cụ thể, quốc gia 8,6 triệu dân này ký thỏa thuận mua khoảng 3 triệu liều vaccine của Pfizer/BioNTech, khoảng 7,5 triệu liều vaccine của hãng Moderna (Mỹ) và khoảng 5,3 triệu liều vaccine của AstraZeneca (Anh). Đây đều là những loại vaccine yêu cầu phải tiêm đủ 2 liều/người.
Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh đang tiếp tục diễn biến phức tạp tại Thụy Sĩ, trong đó cả số ca mắc bệnh và tử vong đều tăng nhanh, chính phủ nước này ngày 18/12 đã yêu cầu các nhà hàng và quán bar trên toàn quốc tạm ngừng hoạt động để cắt đứt chuỗi lây lan của dịch bệnh.
Thông báo của chính phủ nêu rõ: "Tình hình dịch tễ hiện đang rất đáng lo ngại. Số ca mắc bệnh hiện đang rất cao và vẫn tiếp tục gia tăng, trong khi các nhân viên y tế đã phải chịu áp lực rất lớn trong nhiều tuần. Dịp lễ hội sắp tới có nguy cơ sẽ khiến các trường hợp lây nhiễm gia tăng nhanh hơn nữa".
Trung bình mỗi ngày Thụy Sĩ ghi nhận thêm hơn 4.000 ca bệnh mới, trong đó có 100 ca tử vong. Kể từ khi bùng phát đến nay, đại dịch COVID-19 đã lây lan cho 400.000 trường hợp ở Thụy Sĩ và cướp đi sinh mạng của hơn 6.000 người ở nước này.