Những người mua vũ khí của Thụy Sĩ bị cấm tái xuất, một hạn chế mà một số đại diện ngành công nghiệp vũ khí lớn của nước này cho rằng đang gây tổn hại cho thương mại.
Trong khi đó, những lời kêu gọi từ các nước láng giềng châu Âu của Thụy Sĩ cho phép tái xuất vũ khí đến Kiev ngày càng lớn hơn khi cuộc tấn công của Nga ngày càng gia tăng và hai ủy ban an ninh của quốc hội đã khuyến nghị nên nới lỏng các quy tắc cho phù hợp.
"Chúng ta muốn trung lập, nhưng chúng ta là một phần của thế giới phương Tây", Thierry Burkart, lãnh đạo đảng FDP trung hữu, người đã đệ trình kiến nghị lên chính phủ cho phép tái xuất vũ khí sang các nước khác.
Thụy Sĩ trung lập từ năm 1815 và tình trạng này được bảo đảm bởi hiệp ước năm 1907, Theo đó, Thụy Sĩ sẽ không gửi vũ khí trực tiếp hoặc gián tiếp cho các bên tham chiến trong một cuộc xung đột. Nước này áp dụng một lệnh cấm vận riêng về bán vũ khí cho Ukraine và Nga.
Về lý thuyết, các nước thứ ba có thể nộp đơn yêu cầu Thụy Sĩ tái xuất vũ khí của nước này mà họ có trong kho, nhưng hầu như luôn bị Thụy Sĩ từ chối.
"Chúng ta không nên phủ quyết để ngăn chặn những người khác giúp đỡ Ukraine. Các quốc gia khác muốn hỗ trợ Ukraine và làm điều gì đó cho an ninh và ổn định của châu Âu. Họ không thể hiểu tại sao Thụy Sĩ phải nói không", ông Burkart nêu quan điểm.
Trong khi đó, ngày càng có nhiều cử tri Thụy Sĩ đồng tình với quan điểm trên. Một cuộc khảo sát của tổ chức thăm dò dư luận Sotomo công bố hôm 5/2 cho thấy 55% số người được hỏi ủng hộ việc cho phép tái xuất vũ khí sang Ukraine.
Chính phủ Thụy Sĩ - chịu áp lực từ nước ngoài sau khi từ chối yêu cầu của Đức và Đan Mạch cho phép tái xuất khẩu xe bọc thép và đạn dược cho xe tăng - cho biết họ sẽ không chặn các cuộc thảo luận của Quốc hội.
Người phát ngôn của Bộ Kinh tế, cơ quan giám sát các vấn đề thương mại liên quan đến vũ khí, cho biết Thụy Sĩ tuân thủ khuôn khổ pháp lý hiện có và sẽ giải quyết các đề xuất trong thời gian thích hợp.