Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể sẽ phải đối mặt với những phản ứng khác nhau khi tới tham dự Diễn đàn kinh tế thế giới Davos 2018. Ảnh: Internet |
Hồi cuối tháng 12, Nhà Trắng cho biết Tổng thống Trump sẽ tới Davos để dự diễn đàn kinh tế uy tín này của Thụy Sĩ. Từ trước tới nay, ông Trump là vị Tổng thống Mỹ thứ 2 sau Bill Clinton (cách đây 18 năm) tới tham dự Davos. Dự kiến, ông Trump sẽ đến cùng đoàn tùy tùng rất quy mô để nhắc lại lập trường về Nước Mỹ trên hết, bảo vệ quyền lợi của nền kinh tế, doanh nghiệp và người lao động Mỹ.
Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) tại Davos đã ngày càng phát triển về quy mô kể từ lần đầu tiên tổ chức vào năm 1971 dưới tên gọi Diễn đàn quản trị châu Âu. Tới năm 1987, được đổi tên thành Diễn đàn kinh tế thế giới, hay gọi đơn giản là Diễn đàn Davos. Với độ phong phú và chiều sâu mà các chủ đề được đem ra bàn tại Davos, nhiều người còn gọi Diễn đàn Davos là “Diễn đàn của mọi thứ trên thế giới”.
Trong gần 50 năm tồn tại, WEF đã đón tiếp rất nhiều các nhà lãnh đạo toàn cầu, các nhà tài phiệt, ông chủ những tập đoàn, doanh nghiệp, giới công nghệ hàng đầu thế giới, ngoài ra còn có các nghệ sĩ, những nhà hoạt động trong lĩnh vực tôn giáo, xã hội dân sự. Trung bình trong những năm gần đây, có khoảng 3.000 người tới tham dự và những thông tin về diễn đàn được một đội quân nhà báo truyền đi khắp thế giới.
Năm ngoái, chiến thắng của ông Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đã trở thành một chủ đề nóng được bàn luận tại diễn đàn. Năm 2017 cũng đánh dấu lần đầu tiên WEF đón tiếp một nguyên thủ quốc gia của Trung Quốc. Trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Trump nêu cao của chủ nghĩa biệt lập và chính sách nước Mỹ trên hết, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có bài phát biểu gây thu hút sự chú ý của dư luận về việc ủng hộ chủ nghĩa đa phương và tự do thương mại.
Trong chuyến công du tới Davos sắp tới, mục tiêu chính của ông Trump được dự báo vẫn là thúc đẩy và bảo vệ các lợi ích kinh tế Mỹ thông qua các cuộc tiếp xúc với giới tinh hoa của thế giới. Với Thụy Sĩ, đây không phải là một chuyến thăm chính thức của Tổng thống Mỹ tới nước này, nhưng dự kiến tân Tổng thống Thụy Sĩ Alain Berset sẽ có cuộc gặp song phương với người đồng cấp Mỹ bên lề diễn đàn. Nhiều chính trị gia Thụy Sĩ cảnh báo không nên trông chờ vào những thay đổi trong chính sách của ông Trump với thương mại toàn cầu và mục tiêu của Donald Trump là các cuộc gặp với giới tinh hoa của WEF hơn là với giới chức Thụy Sĩ.
Theo ông chủ của khách sạn 5 sao tại Davos Grand Hotel Belvédère, sự hiện diện của ông Trump sẽ đem lại nhiều lợi ích cho thị trấn miền núi nhỏ bé này, “với Davos và bang Graubünden, đây là điều tuyệt vời, truyền thông thế giới sẽ đổ dồn về Davos trong thời gian ông Trump ở lại đây”.
Nhưng không phải ai cũng hài lòng, những người phản đối đang chuẩn bị đón Donald Trump. Thụy Sĩ và Davos đã có nhiều kinh nghiệm trong bảo vệ những đoàn quy mô tại WEF, nhưng các lực lượng an ninh sẽ phải làm việc căng hơn khi có sự hiện diện của Tổng thống Mỹ. Nhưng việc biểu tình tại Davos không dễ dàng, thị trấn nằm trong một thung lũng nhỏ bao bọc bởi dãy Alps hiểm trở, khó tiếp cận. Ở độ cao 1.560 m so với mực nước biển, Davos là thị trấn cao nhất tại châu Âu, với quy mô dân số là khoảng 12.000 người. Sự biệt lập của khu vực này vốn là một trong những lý do khiến các nhà tổ chức chọn Davos là nơi tổ chức sự kiện. Ngoài ra, chính phủ Thụy Sĩ kiểm soát rất chặt chẽ hoạt động biểu tình và phải được cấp phép mới được xuống đường.
Năm ngoái, có khoảng 3.000 quan khách, trong đó có 500 nhà báo, tới dự WEF Davos lần thứ 47, dự kiến trong các ngày từ 23-26/1 tới, diễn đàn sẽ đón số lượng quan khách tương tự. Mỗi công ty tham dự phải đóng khoản phí hàng năm từ 60.000-600.000 cho WEF. Trong năm tài chính 2015-2016, WEF đã thu về khoản doanh thu 228 triệu CHF (Franc Thụy Sĩ, 1 CHF tương đương 1.1 USD). Tổ chức phi lợi nhuận này có khoản thặng dư ngân sách năm là 1.2 triệu USD. Một nghiên cứu của WEF và Đại học St Gallen, Thụy Sĩ cho biết Diễn đàn Davos năm 2015 đã đem lại 50 triệu CHF cho kinh tế địa phương và 76 triệu CHF cho kinh tế Thụy Sĩ.
Hàng năm, chính phủ Thụy Sĩ điều khoảng 5.000 nhân viên an ninh nhằm đảm bảo cho sự kiện. Chi phí an ninh cho Davos là khoảng 9 triệu CHF và do liên bang, bang Graubünden, thị trấn Davos và WEF cùng nhau chi trả.