Bộ trưởng kinh tế Thụy Sĩ Johann Schneider-Ammann (nguyên Tổng thống Thụy Sĩ năm 2016). Ảnh: EPA/TTXVN |
Trong cuộc trả lời phỏng vấn với truyền thông từ Thủ đô Bern sau chuyến công du 4 nước gồm Nga, Indonesia, Saudi Arabia và Mỹ, Bộ trưởng Ammann (nguyên Tổng thống Thụy Sĩ năm 2016) nói: “Chúng tôi đang thúc đẩy một đề xuất làm trung gian hòa giải giữa Iran và Saudi Arabia. Điều này Thụy Sĩ hoàn toàn có thể nhưng điều kiện là cả hai bên cần phải có lời đề nghị chính thức với chúng tôi”.
Căng thẳng giữa Iran và Saudi Arabia đã kéo dài từ lâu. Giới chức Iran cáo buộc Saudi Arabia đứng đằng sau các vụ tấn công khủng bố đẫm máu tại Tehran mà tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) từng tuyên bố nhận trách nhiệm tiến hành.
Iran hỗ trợ cho Hamas và Hezbollah và là quốc gia đứng đầu trong trục Hồi giáo Shiite và mâu thuẫn gay gắt với các quốc gia Hồi giáo theo dòng Sunni khác trong khu vực Trung Đông.
Iran cáo buộc các quốc gia Sunni do Saudi Arabia đứng đầu và Mỹ tài trợ cho các nhóm vũ trang đối lập tại khu vực người Kurd ở phía Tây Iran và vùng Baluchi ở phía Đông nước này.
Chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Donald Trump tới Saudi Arabia hồi tháng 5 vừa qua đã làm bùng lên căng thẳng giữa Iran và Saudi Arabia, nhất là sau khi ông Trump và Quốc vương Salman tuyên bố Iran là một nghi can tài trợ cho khủng bố.
Saudi Arabia cũng dẫn đầu một số quốc gia Trung Đông - Bắc Phi cắt đứt quan hệ với Qatar, cáo buộc Qatar tài trợ cho chủ nghĩa khủng bố. Vụ việc đang gây ra cuộc khủng hoảng ngoại giao tồi tệ tại khu vực Trung Đông hiện nay.
Truyền thống làm trung gian hòa giải Ngoại trưởng sắp mãn nhiệm của Thụy Sĩ Didier Burkhalter nhấn mạnh vai trò cầu nối là một thành tố quan trọng tạo nên bản sắc và chính sách đối ngoại trung lập của quốc gia Trung Âu này. Chiến lược đối ngoại 2016-2020 của Thụy Sĩ xác định coi trọng vai trò là trung tâm hòa giải cho phần còn lại của thế giới trên cơ sở bảo vệ lợi ích các nước, làm trung gian hòa giải.
Chính sách đối ngoại của Thụy Sĩ đã có sự thay đổi đáng kể so với trước đây, đặc biệt so với giai đoạn Thế chiến II. Lúc đó, Thụy Sĩ đóng vai trò như một quốc gia ủy nhiệm bảo vệ quyền lợi của các quốc gia khác tại những vùng lãnh thổ thù địch. Ở thời kỳ đỉnh cao trong vai trò này, Thụy Sĩ đảm nhiệm tới 219 nhiệm vụ ủy nhiệm liên quan tới 35 quốc gia khác nhau. Hiện nay, con số này chỉ chưa tới 10.
Một trong những nhiệm vụ ủy nhiệm bảo vệ quyền lợi của nước thứ 3 phức tạp nhất mà Thụy Sĩ từng đảm nhiệm là đại diện quyền lợi của Mỹ tại Iran. Trong quá trình này, Thụy Sĩ đã cung cấp một kênh liên lạc thường xuyên cho các trao đổi mật giữa Washington và Tehran.
Mới đây, Thụy Sĩ đã đề nghị đại diện quyền lợi cho Irantại Riyadh và quyền lợi của Saudi Arabia tại Tehran sau khi hai nước này cắt đứt quan hệ ngoại giao.
Ngoại trưởng Burkhalter hồi năm ngoái cho rằng “sự liên hệ ở mức tối thiểu giữa Iran và Saudi Arabia có ý nghĩa then chốt cho sự ổn định của khu vực và Thụy Sĩ cam kết góp phần thực hiện điều này”.
Về vai trò hòa giải và tạo thuận lợi, Ngoại trưởng Burkhalter nhấn mạnh sự vô tư và tín nhiệm là một trụ cột trong chính sách đối ngoại của Thụy Sĩ và được hình thành qua nhiều năm triển khai chính sách đối ngoại trung lập.
Trong những nằm gần đây, Thụy Sĩ đã làm trung gian hòa giải cho các điểm nóng tại Colombia, Tây Sahara, Nam Sudan, Uganda, Armenia và Thổ Nhĩ Kỳ. Hay gần đây nhất là đứng ra làm trung gian cho các cuộc thương lượng về hồ sơ hạt nhân của Iran giữa nhóm P5+1 với Tehran.
Thụy Sĩ thường can dự vào các điểm nóng theo cách riêng của nước này và chuẩn bị kỹ trước khi khởi động một tiến trình hòa giải giữa các bên đối địch.
Thụy Sĩ cung cấp một cơ sở hạ tầng và dịch vụ tin cậy để các bên có thể yên tâm đối thoại với nhau. Do vậy, đề nghị của Bộ trưởng Kinh tế Ammann có thể là một lối thoát giúp gỡ nút thắt cho cuộc khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh hiện nay.