Chính phủ Thụy Sĩ thông báo từ ngày 13/8 sẽ chính thức dỡ bỏ các lệnh trừng phạt chống Iran, coi đây là sự ủng hộ đối với thỏa thuận hạt nhân lịch sử mà Iran vừa đạt được với các cường quốc thế giới. Đại diện Iran và 6 nước lớn trong cuộc họp bàn về thỏa thuận hạt nhân lịch sử ngày 30/6 tại Vienne. |
Trong thông báo ngày 12/8, Hội đồng Liên bang (Chính phủ) Thụy Sĩ bày tỏ hi vọng việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt chống Iran, vốn đã tạm ngừng thi hành từ tháng 1/2014, sẽ được nhìn nhận như một tín hiệu chứng tỏ sự ủng hộ của Thụy Sĩ đối với việc thực thi thỏa thuận hạt nhân giữa Iran với các cường quốc thế giới, cũng như làm sâu sắc hơn nữa quan hệ song phương giữa Thụy Sĩ và Iran. Các lệnh trừng phạt mà Thụy Sĩ áp đặt chống Iran cấm buôn bán các kim loại quý với các tổ chức nhà nước của Iran, yêu cầu phải báo cáo về các sản phẩm hóa dầu, việc vận chuyển dầu thô và các sản phẩm dầu mỏ của Iran. Chính phủ Thụy Sĩ bày tỏ hy vọng việc dỡ bỏ trừng phạt sẽ thúc đẩy trao đổi kinh tế và chính trị rộng rãi với Iran. Tuy nhiên, Thụy Sĩ cảnh báo nếu việc thực thi thỏa thuận hạt nhân thất bại, nước này sẽ có quyền áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt đã được dỡ bỏ.
Ngày 14/7, sau quá trình đàm phán kéo dài hơn một thập kỷ và 18 ngày thương lượng nước rút căng thẳng tại thủ đô Vienna (Áo), Iran và nhóm P5+1 (gồm Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc và Đức) đã đạt được thỏa thuận hạt nhân lịch sử, theo đó nhất trí dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt mà Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), LHQ áp đặt lên nhà nước Hồi giáo, đổi lại Tehran chấp nhận hạn chế chương trình phát triển hạt nhân mà phương Tây nghi ngờ nhằm mục đích chế tạo bom. Sau sự kiện ngày 14/7, chính phủ nhiều nước châu Âu, trong đó có Đức và Pháp là hai nước đã ký thỏa thuận hạt nhân với Iran, đã cử đoàn đại biểu cấp cao cùng đại diện giới doanh nghiệp sang thăm Iran nhằm thúc đẩy quan hệ kinh tế thương mại.