Theo đó, COVAX sẽ nhận 1 triệu liều vaccine của Moderna trước cuối tháng 12 tới. Trong khi đó, Thụy Sĩ sẽ thay thứ tự của COVAX và nhận 1 triệu liều vaccine của Moderna trong năm 2022. Tổng Giám đốc Liên minh vaccine toàn cầu (GAVI) Seth Berkley nhấn mạnh sự hợp tác này cho thấy có một cách thức nhanh chóng và thực tiễn để các chính phủ có thể đảm bảo những nước thu nhập thấp tham gia COVAX tiếp cận được vaccine ngừa COVID-19. Ông kêu gọi chính phủ các nước khác noi gương hành động của Thụy Sĩ, hợp tác với COVAX và các nhà sản xuất để điều chỉnh lịch bàn giao vaccine.
COVAX là cơ chế do Tổ chức Y tế thế giới (WHO), GAVI, Liên minh đổi mới sáng tạo sẵn sàng cho dịch bệnh (CEPI) sáng lập nhằm phân phối vaccine cho các nước nghèo. Liên minh này hy vọng có thể phân phối 2 tỷ liều vaccine trong năm 2021 với kinh phí do các nhà tài trợ chi trả. Tuy nhiên, việc các nước giàu tích cực thu mua vaccine ngay từ dây chuyền sản xuất khiến COVAX đến nay mới chỉ phân phối được 507 triệu liều vaccine cho 144 nền kinh tế.
Tại Thụy Sĩ, 65% dân số nước này đã tiêm phòng đầy đủ, chủ yếu là vaccine của Moderna, thêm 2% đã tiêm mũi đầu tiên. Tốc độ tiêm phòng COVID-19 tại Thụy Sĩ đã chậm lại trong những tháng gần đây.
Thời gian qua, COVAX đã kêu gọi các nước có độ bao phủ vaccine cao tạo điều kiện cho những quốc gia kém may mắn hơn tiếp cận vaccine. Việc nhận vaccine đặt trước ngay từ dây chuyền sản xuất là cách thức tiếp cận vaccine hiệu quả hơn so với việc đợi các nước giàu quyên góp số vaccine thừa, vốn thường gần hết hạn. Động thái của Thụy Sĩ diễn ra ngay trước thềm hội nghị cấp bộ trưởng của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) vào tuần tới. Tại hội nghị, các bên sẽ thảo luận nhằm đạt được sự đồng thuận về việc xóa bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với các vaccine ngừa COVID-19. Tuy nhiên, thỏa thuận đang đối mặt với rào cản từ một số quốc gia phát triển, trong đó có Thụy Sĩ.
Hiện tại hơn 7,5 tỷ liều vaccine các loại đã được sử dụng trên khắp thế giới, trong đó, ở các nước thu nhập cao, tỷ lệ vaccine trên 100 người dân là 143 liều, trong khi con số này ở các nước thu nhập thấp là chưa đến 7 liều/100 người. Theo thống kê do GAVI công bố ngày 16/11, những nước nghèo nhất thế giới là Chad, Cộng hòa Dân chủ Congo, Congo, Haiti, Nam Sudan và Yemen chưa có đủ vaccine cho 2% dân số.