Thông báo của FSVO cho biết đã có hai trường hợp phát hiện bò nhiễm bệnh, trong đó trường hợp thứ nhất ở vùng Graubünden và trường hợp thứ hai ở bang Graubünden.
Tuy nhiên, FSVO khẳng định: “Đây là những trường hợp riêng lẻ không gây rủi ro cho nông dân hoặc sức khỏe cộng đồng. Các trường hợp này nhiễm bệnh BSE không điển hình, có nghĩa là chúng hiếm khi xảy ra và chỉ xuất hiện lẻ tẻ ở những động vật bị cô lập”.
Năm 2015, Thụy Sỹ được Tổ chức Thú y Thế giới xác nhận là quốc gia có nguy cơ không đáng kể về bệnh bò điên. Kể từ đó tới nay, chỉ có ba trường hợp mắc bệnh bò điên không điển hình được ghi nhận, ngoài hai trường hợp trong năm nay, một trường hợp được ghi nhận vào tháng 2/2020. Tuy nhiên, vào năm 1995, bệnh bò điên đã gây ra cuộc khủng hoảng thịt bò tại Thụy Sỹ, khi có gần 70 trường hợp được báo cáo trên khắp đất nước. Trong năm này, doanh số bán thịt giảm khoảng 10% do nhu cầu thịt bò giảm.
Để đề phòng bệnh bò điên tái phát, FSVO đã ra quy định cấm cho vật nuôi ăn các loại thức ăn có protein động vật. Bên cạnh đó, FSVO còn yêu cầu các quy trình giám sát để ngăn chặn động vật bị nhiễm bệnh tiếp cận tới người tiêu dùng. Bác sĩ thú y được yêu cầu kiểm tra tất cả động vật giết mổ khi đến lò mổ để phát hiện bất kỳ hành vi đáng ngờ nào. Sau đó, các mẫu được lấy từ những động vật đó mang đi xét nghiệm, cũng như từ tất cả các động vật được phân loại là bị bệnh hoặc trong diện tiêu hủy. Các biện pháp phòng ngừa khác bao gồm loại bỏ và đốt các bộ phận nguy hiểm như não và tủy sống của tất cả gia súc từ 12 tháng tuổi trở lên.
Ngoài Thụy Sỹ, một số quốc gia khác trong năm nay cũng đã thông báo ghi nhận các trường hợp bệnh bò điên không điển hình, bao gồm Mỹ, Anh, Tây Ban Nha, Hà Lan và Brazil (Bra-xin).
Theo Tổ chức Thú y Thế giới, cho đến nay không có bằng chứng nào cho thấy bệnh bò điên không điển hình có thể lây sang người tiêu dùng. Tuy nhiên, không thể loại trừ sự lưu hành của tác nhân truyền nhiễm do xử lý xác động vật không đúng cách.
Tại Anh, quốc gia này từng bị Liên minh châu Âu (EU) cấm xuất khẩu thịt bò trong 10 năm và Mỹ cấm xuất khẩu trong 23 năm do bệnh bò điên. Để phòng ngừa bệnh dịch, các quốc gia trên thế giới cũng đã thực hiện nhiều biện pháp liên quan đến thương mại để tự bảo vệ nước mình khỏi bệnh bò điên.
Trung Quốc, nước nhập khẩu thịt bò lớn nhất thế giới, đã có các thỏa thuận song phương với các nước cung cấp. Khi Brazil (Bra-xin) xác nhận một trường hợp mắc bệnh bò điên vào tháng 2/2023, nước này đã phải tạm thời đình chỉ xuất khẩu thịt bò sang Trung Quốc dựa trên các quy định an toàn sinh học giữa hai nước.
Hoạt động buôn bán được tiếp tục chỉ một tháng sau khi các nhà chức trách xác nhận rằng trường hợp này là một bệnh bò điên không điển hình. Công ty tư vấn kinh doanh nông nghiệp Datagro Pecuaria của Brazil cho biết ngành thịt bò của quốc gia Nam Mỹ đã chịu thiệt hại từ 20 -25 triệu USD mỗi ngày trong thời gian Trung Quốc đình chỉ thương mại.