Thụy Sỹ có tỷ lệ thiếu việc làm cao nhất ở châu Âu vào khoảng 7%, trong khi mức trung bình của Liên minh châu Âu (EU) là 3,4% trong năm ngoái.
Những người thiếu việc làm là tuy có làm việc, nhưng người lao động không thể tìm được công việc sử dụng hết quỹ thời gian lao động khiến thu nhập của họ thấp hơn mức lương tối thiểu.
Quốc gia có tỷ lệ thiếu việc làm cao thứ hai ở châu Âu là Tây Ban Nha (5,6%), tiếp theo là CH Cyprus (Síp - 5,4%) và Hy Lạp (5,2%). Trong khi đó, Đức có tỷ lệ thiếu việc làm là 2,8%, Pháp là 5,1%, Italy (I-ta-li-a - 2,6%) và Anh (4,3%).
Tình trạng thiếu việc làm ảnh hưởng đến phụ nữ nhiều hơn nam giới. Tại Thụy Sỹ, tỷ lệ thiếu việc làm là 3,6% đối với nam và 10,8% đối với nữ. Trên toàn EU, tỷ lệ này đối với nam là 2,1% và 4,8% đối với nữ.
Tổng số người thiếu việc ở Thụy Sỹ, bao gồm cả những người thất nghiệp, những người tìm kiếm việc làm nhưng không có ngay lập tức và những người thiếu việc làm tương ứng với 299.000 vị trí làm toàn thời gian. Trong số này, phụ nữ chiếm 55% và nam giới chiếm 45%.
Ban Thư ký Nhà nước phụ trách các vấn đề kinh tế (SECO) của Thụy Sỹ mới đây cho biết có nhiều thông tin tốt hơn về thị trường việc làm Thụy Sỹ trong tháng 7/2019 với tỷ lệ thất nghiệp chính thức ở mức 2,4%.
Tuy nhiên, phân tích mới của Văn phòng Thống kê Liên bang (FSO) được nêu chi tiết trên tuần báo Thụy Sỹ NZZ am Sonntag cho thấy tỷ lệ thất nghiệp thực sự của nước này có thể gấp đôi con số chính thức trên mà lên tới 4,9%.
Sự khác biệt trong hai con số của Thụy Sỹ là do cách đo lường tỷ lệ thất nghiệp. Con số SECO dựa trên số người đăng ký tại các văn phòng thất nghiệp của đất nước, trong khi con số cao hơn của FSO dựa trên 120.000 cuộc khảo sát các hộ gia đình theo các tiêu chí kỹ thuật do Tổ chức Lao động Quốc tế của Liên hợp quốc (ILO) quy định.