Nhà phân tích Kerim Has tại Nga đánh giá với hãng thông tấn Xinhua (Trung Quốc): “Thổ Nhĩ Kỳ nằm ở vị trí địa lý tưởng cung cấp năng lượng cho châu Âu. Vị trí liên lục địa của nước này mang lợi thế lớn”.
Thổ Nhĩ Kỳ là “nhà” của 7 đường ống dẫn khí gas tự nhiên quốc tế từ Đông sang Tây cũng như 4 trạm đầu mối khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) trên mặt đất và kho chứa nổi; tất cả đều nằm ở phía Tây quốc gia này.
Ông Kerim Has đề cập đường ống TurkStream đi từ Nga đến vùng Thrace của Thổ Nhĩ Kỳ qua Biển Đen là lựa chọn tốt nhất. Ông giải thích: “Đường ống này đang không được sử dụng toàn bộ công suất và có thể cung cấp cho châu Âu một phần khí gas cần thiết”.
Bên cạnh đó, ông Has cũng nhắc đến Blue Stream, đường ống qua Biển Đen có năng lực vận chuyển 16 tỷ mét khổi khí đốt tự nhiên mỗi năm từ Nga đến Thổ Nhĩ Kỳ, cũng có thể trở thành một phần của hạ tầng giúp Thổ Nhĩ Kỳ trở thành trung tâm năng lượng.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan hồi tháng 10 cho biết ông nhất trí với người đồng cấp Nga Vladimir Putin về đề xuất xây dựng trung tâm khí đốt tự nhiên tại Thổ Nhĩ Kỳ và châu Âu có thể đảm bảo nguồn cung từ Thổ Nhĩ Kỳ.
Ông Has đánh giá với “năng lượng ngoại giao và tầm nhìn chiến lược”, Thổ Nhĩ Kỳ có thể trở thành “trung gian” trong kinh doanh khí đốt tự nhiên đến châu Âu về mặt dài hạn.
Theo ông Has, việc cung cấp khí đốt Nga cho châu Âu sẽ đem lại lợi thế chiến lược cho Thổ Nhĩ Kỳ trong quan hệ với châu Âu, khiến nước này trở thành hành lang năng lượng của Lục địa già trong thời điểm cần thiết. Bên cạnh đó, ông Has phân tích điều này cũng gắn kết hơn mối quan hệ năng lượng giữa Ankara và Moskva.
TurkStream có một đường ống chuyển khí đốt cho Thổ Nhĩ Kỳ và đường ống còn lại đến châu Âu. Mỗi đường ống có khả năng vận chuyển 15,57 tỷ mét khối/năm. Theo các chuyên gia, TurkStream cũng có thể mở rộng thêm 2 đường ống với tổng khả năng vận chuyển 31 tỷ mét khối đến người tiêu dùng châu Âu nhưng cần có thời gian và kinh phí.
Nhà phân tích năng lượng độc lập Ali Arif Akturk cho rằng việc xây thêm 2 đường ống bổ sung cho TurkStream trong vòng 2 năm có thể tốn 10 tỷ USD. Ông Ali Arif Akturk cho rằng khó có khả năng Liên minh châu Âu (EU) bật đèn xanh cho dự án này. Bên cạnh đó, ông Akturk nhận định chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cũng hạn chế động thái tài chính trọng điểm như vậy trước thềm cuộc tổng tuyển cử vào năm tới.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Năng lượng và Tài nguyên thiên nhiên Thổ Nhĩ Kỳ Fatih Donmez trong một cuộc phỏng vấn vào đầu tháng này đề cập rằng chính quyền Tổng thống Erdogan vào cuối năm nay sẽ phác thảo kế hoạch để biến nước này trở thành trung tâm khí đốt.
Theo thông cáo được văn phòng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ công bố ngày 12/11, ông Erdogan cho biết chính phủ của ông sẽ có động thái để biến nước này trở thành trung tâm khí đốt tự nhiên.