Đây là kết luận được rút ra từ một công trình nghiên cứu do Đại học Y khoa cộng đồng thuộc Đại học Yale (YSPH) tiến hành.
Theo trưởng nhóm nghiên cứu Alison Galvani, vaccine đã rất thành công trong giảm mức độ lây nhiễm, cứu mạng hàng trăm nghìn người Mỹ, nhưng không vì thế mà được phép thỏa mãn, chủ quan trước sự xuất hiện của biến chủng mới.
Nhóm nghiên cứu đã khảo nghiệm mối liên hệ giữa tiêm chủng và xu hướng diễn tiến của dịch bệnh trong giai đoạn từ 1/10/2020 đến 1/7/2021, thời kỳ có sự xuất hiện của cả ba loại biến thể Alpha, Gamma và Delta có mức độ lây nhiễm cao hơn so với chủng gốc.
Các nhà khoa học đã tiến hành so sánh chiều hướng dịch bệnh dựa trên hai kịch bản giả định, gồm quy mô chiến dịch tiêm vaccine như hiện nay và chích ngừa ở cấp độ 50% lượng mũi tiêm thông thường hàng ngày. Kết quả cho thấy, việc giảm 50% quy mô, cấp độ tiêm chủng so với mức hiện hành sẽ khiến Mỹ phải ghi nhận thêm 120.000 ca tử vong và 450.000 ca bệnh nặng phải nhập viện.
Tuy nhiên, nghiên cứu cũng chỉ ra rằng nếu không tăng nhanh mức độ che phủ của vaccine, những thành quả tích cực trên có thể sẽ bị hủy hoại trước sự lây lan của biến thể Delta. “Nguy cơ chưa hết. Hiện chưa phải là thời điểm để lơ là, mất cách giác. Nếu chưa đạt được tỉ lệ tiêm chủng ở mức cao tương đối, sẽ vẫn có thêm nhiều người Mỹ thiệt mạng vì dịch bệnh”, báo cáo của nhóm nghiên cứu chỉ rõ.
Theo số liệu của Trung tâm Ngăn ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh (CDC) Mỹ, tính đến ngày 8/7, nước Mỹ đã chích ngừa được 332.345.797 liều vaccine, với hơn 67% người trưởng thành được tiêm ít nhất một mũi. Số ca tử vong tính từ thời điểm dịch bùng phát là 604.000 người.
Chiến dịch tiêm chủng giúp làm dịu tình hình dịch bệnh ở Mỹ, với số ca nhiễm mới trong ngày giảm từ mức đỉnh trên 300.000 ca/ngày hồi tháng 1 xuống dưới ngưỡng 20.000 ca trong vài tuần trở lại đây.