Các quan chức Mỹ cho biết bất kỳ thỏa thuận thương mại nào giữa nước này với Trung Quốc đều sẽ có một điều khoản nhằm ngăn chặn việc thao túng tỷ giá để giúp các nhà xuất khẩu.
Tổng thống Mỹ Donald Trump, người đã cáo buộc nền kinh tế lớn nhất châu Á kìm giữ đồng nội tệ vì mục đích cạnh tranh, tuần trước cho biết Washington có một thỏa thuận với Bắc Kinh về vấn đề này. Cố vấn Kinh tế của Nhà Trắng, ông Larry Kudlow hôm 28/2 cũng nói rằng dự thảo thỏa thuận sẽ ngăn chặn hành vi thao túng tiền tệ và buộc các nhà chức trách Bắc Kinh phải báo cáo bất kỳ sự can thiệp nào trên thị trường.
Nhưng trung tâm của vấn đề này là một nghịch lý: Trung Quốc không nhất thiết muốn một đồng nội tệ yếu và áp lực giảm đối với đồng NDT phần lớn do diễn biến của kinh tế Mỹ gây ra, như việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed ) tăng lãi suất .
Đồng NDT không được tự do chuyển đổi. Chính phủ Trung Quốc giới hạn biên độ giao dịch của đồng NDT ở mức +-2% so với tỷ giá trung tâm mà Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC, ngân hàng trung ương) công bố hàng ngày để phản ánh xu hướng thị trường.
Hệ thống “thả nổi” được quản lý đó hạn chế những biến động của đồng tiền này. Bằng chứng là đồng NDT vẫn nằm trong giới hạn từ 6,2 - 6,8 NDT đổi 1 USD trong 5 năm qua, một mức cao kỷ lục và vượt xa tỷ lệ cố định 8,28 NDT/USD trong những năm đầu thập niên 2000.
Giới quan sát chỉ ra rằng sau khi tăng 6,3% trong năm 2017, đồng NDT đã mất giá 5,7% vào năm ngoái và rơi xuống mức thấp nhất trong một thập kỷ. Diễn biến này là đủ để xuất hiện những ý kiến cho rằng có sự can thiệp của Bắc Kinh.
Tuy nhiên, các nhà phân tích nhận định sự suy yếu của đồng NDT không phải do sự thao túng của Bắc Kinh mà là kết quả của tình trạng “hạ nhiệt” của kinh tế Trung Quốc cùng những tranh chấp thương mại với Mỹ. Bên cạnh đó, việc Fed nâng lãi suất khiến giá trị của đồng USD mạnh hơn các đồng tiền khác trong khi các nhà đầu tư tìm kiếm lợi suất cao hơn cũng đẩy đồng NDT đi xuống.
Các chuyên gia kinh tế cũng phản bác tuyên bố của Chính quyền Tổng thống Trump về việc Trung Quốc giữ đồng NDT yếu hơn thực tế và nói rằng Bắc Kinh thực chất đã nỗ lực để giữ cho đồng nội tệ không giảm giá quá nhiều. Các chuyên gia này viện dẫn việc kể từ tháng 8/2018, PBoC đã cho biết họ sẽ sử dụng "yếu tố nghịch chu kỳ" để tính toán phạm vi tỷ giá hối đoái hàng ngày, một động thái được cho là nhằn giữ đồng NDT ổn định.
Điều đó khiến các nhà kinh tế đặt câu hỏi về yêu cầu của Chính quyền Tổng thống Trump, mặc dù họ thừa nhận rằng sự can thiệp của Trung Quốc vào đồng NDT từ năm 2002-2010 đã giúp thúc đẩy thâm hụt thương mại của Mỹ.
Ông Adam Posen, người đứng đầu Viện kinh tế quốc tế Peterson có trụ sở tại Washington, cảnh báo Washington không nên sử dụng các chiến lược từ thời những năm 1950 để giải quyết các vấn đề thương mại hiện đại do thuế quan và tỷ giá hối đoái ít có khả năng giải quyết những vấn đề này.